Học sinh mất kiểm soát xưng "mày tao", giáo viên phải làm gì?
Sinh viên sư phạm được học tâm lý học, giáo học pháp. Một trong nhiều điều thu hoạch từ hai môn ấy là khi có sự phản kháng (mất kiểm soát) của học sinh thì giáo viên làm sao?
Hình ảnh từ clip diễn ra vụ việc học sinh xưng "mày tao" với giáo viên |
cắt từ clip |
Khi còn sinh viên, kết thúc bộ môn tâm lý, lớp chúng tôi thi vấn đáp. Còn nhớ, sau câu hỏi chính, thầy hỏi thêm: “Nếu học trò chửi thề anh, anh giải quyết như thế nào?”. Trong phần trình bày, tôi dẫn nguyên tắc giáo dục của nhà giáo dục nhân văn thời Xô Viết – Vasily Sukhomlinsky. Hơn 40 năm rồi, tôi không còn nhớ rõ lắm, đại ý, không trừng phạt học sinh, tuyệt đối không hơn thua với học sinh lúc ấy. Bài học đó theo cùng tôi nhiều năm tháng đứng lớp, làm cán bộ quản lý trường THPT.
Ai đã đọc Ngựa chứng trong sân trường hẳn còn nhớ thầy giáo Định trong truyện, là võ sư, nhưng khi biết học trò của lớp vây đánh mình, thầy né đòn mà không đánh trả. Đêm tối, lại có 5, 6 học sinh xuống tay, những cú đấm trúng vào mặt làm thầy đau nhói nhưng cố chịu. Hôm sau, có tiết giảng văn, thầy vẫn lên lớp với khuôn mặt còn in vết tím bầm. Đám học trò “quậy” im thin thít, cứ ngỡ sau trận ấy, thầy không thể lên lớp. Các em đâu biết, trong những lần thi đấu, thầy nổi tiếng là giỏi chịu đòn. Ít tháng sau, trong lần dạo phố, chính những học trò đánh thầy trước đây bị hành hung. Lúc này, thầy giáo Định với tuyệt chiêu của mình, kịp giải vây cho trò trong sự ngỡ ngàng của các em. Tiểu thuyết và đời thực luôn có khoảng cách, nhưng, dạy trò bằng nêu gương và nhẫn nhịn, kiên trì thì... tuyệt đối đúng trong giáo dục!
Vụ nữ sinh văng tục chửi thầy giáo ở Khánh Hòa: Nhà trường lên tiếng |
Học sinh "có quyền" sai, giáo viên “có quyền” tha thứ!
Có lần, tại trường tôi từng làm hiệu trưởng, một cậu học trò sau khi bị cô giáo hỏi dồn, em mất bình tĩnh và gọi cô: “mày ngồi xuống đây, bố mày nói chuyện với mày”. Cô giáo sốc, nhưng nhanh chóng cắt sự việc và dạy “bình thường” đến hết tiết. Học sinh này sau đó bị đưa ra hội đồng kỷ luật và chịu xử phạt theo quy định. Trò nay ra trường đã mấy năm; cô vẫn ngày ngày đến trường. Mỗi khi nhớ chuyện cũ, nhà giáo chúng tôi man mác, chọn nghiệp “gõ đầu trẻ” hãy ghi nhớ, các em có quyền sai, còn giáo viên - quyền tối cao là chấp nhận “nghịch cảnh” và tha thứ - đó là dạy người!
Những tình huống sau đây thường xảy ra trong lớp học: Vào lớp, hầu hết học sinh đứng dậy chào, chỉ một em vẫn ngồi ”thách thức”; nhiều em chuẩn bị cho bài học mới nhưng vẫn có mấy em “trống trơn”; thầy cô giảng bài say sưa, có em tranh thủ bấm điện thoại hay lơ đễnh nhìn nắng sân trường…
Đâu chỉ có trò mà thầy cô lúc sinh hoạt, hội họp, hiệu trưởng đang “thao thao bất tuyệt” thì có người làm việc riêng. Nếu lúc ấy, hiệu trưởng phê bình thầy cô, rồi sao? Chắc chắn là không hài lòng, có người còn phân bua đủ lý do và trách ngược hiệu trưởng. “Thầy cô thường khuyên học sinh những điều mà bản thân mình không làm được”, phải không?
Học trò bây giờ nhiều thông tin, và thầy cô có những mặt có thể chưa bằng trò, như tiếng Anh, công nghệ… Ánh hào quang nhà giáo của ngày xưa đã là chuyện cũ. Ngày nay, để vững vàng trên bục giảng, thầy cô phải giỏi chuyên môn, thông phương pháp, rộng hiểu biết, chắc công nghệ, nhanh ngoại ngữ và sống khoan dung. Nghề dạy học, thời nào cũng khó, bây giờ đòi hỏi cao hơn. Chuẩn bị cho tiết lên lớp, từng hoạt động trải nghiệm, mỗi tình huống sư phạm là lao động miệt mài và với cảm xúc sâu sắc.
Thầy cô giỏi, tâm huyết, trách nhiệm thường ít gặp phản ứng tựa chuyện đấu khẩu “mày tao”, tất nhiên điều này không tuyệt đối! Dạy học là hoạt động rất riêng của thầy và trò, để làm chủ mọi tình huống, người thầy luôn phải trau dồi nghề nghiệp để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Dạy trò bằng nêu gương và nhẫn nhịn, kiên trì thì... tuyệt đối đúng trong giáo dục |
ảnh minh họa đ.n.t |
Để giáo viên thắng chính mình mà không thắng trò
Trợ giúp cho giáo viên hữu hiệu nhất đó là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn. Lúc sinh hoạt chung, khi gặp gỡ riêng, lãnh đạo trường cần chia sẻ các bài học kinh nghiệm, những bài học qua sách báo, lớp tập huấn… Nói - làm - động viên - giám sát, cần thường xuyên để rèn thầy cô thói quen tốt, biết nhanh chóng hóa giải điểm “hung” ở học trò. Song song với đó là xây dựng quy tắc ứng xử: thầy cô - thầy cô, thầy cô - trò, thầy cô - phụ huynh… Và “diễn tập” dịp 8.3, 26.3, 20.11… phòng khi có việc chủ động giải quyết mà không vụng về với trò, kiểu “mày - tao”, “bố láo”. Giúp giáo viên biết thắng chính mình mà không thắng trò đó là nội dung cần ưu tiên trong quá trình đổi mới giáo dục.
Phụ huynh có phần trách nhiệm khi để con em mình vô lễ với thầy cô. Rèn con từ thuở nhỏ, mỗi dịp có thể. Dạy con biết kính trọng thầy cô đó là khởi nguồn cho các em biết vâng lời, hoàn thành nhiệm vụ học tập. “Tiên học lễ, hậu học văn” đâu chỉ riêng của thầy cô hay tại nhà trường. Giá trị đó cần được hình thành từ trong gia đình rồi mới đến nhà trường, đồng hành cùng nhà trường. Sự tác động trở lại, như phản ứng thuận nghịch, để có trò - con chăm, ngoan, tích cực, năng động, tử tế và giàu ước mơ.
Mạng xã hội, nhịp sống 4.0, công dân toàn cầu, hậu Covid -19 làm thế giới thay đổi nhanh chóng và học đường đang đón làn sóng đổi thay. Trong bối cảnh này, thầy cô tự mình trui rèn, đó chính là nội hàm của “dạy thật tốt” cũng như để tránh tình trạng trò xưng "mày tao" với thầy.
Bình luận (0)