Ở biến động ngày 5.7.1885, trong mấy trăm người đi theo đoàn xa giá rời bỏ kinh thành Huế, Phụ chánh Nguyễn Văn Tường là một trong những người quay lại sớm nhất. Theo tài liệu của người Pháp, ngay buổi sáng hôm đó, ông đã quay lại, ghé nhà Giám mục Caspar ở Kim Long, nhờ đưa trở về gặp tướng De Courcy. Và chiều hôm ấy, ông đã có mặt ở Huế.
Ngay sau đó, Tông nhơn phủ (Hội đồng hoàng tộc) đã họp tại Tòa Khâm sứ, tất nhiên là dưới sự dẫn dắt của tướng De Courcy, để chọn ra một phủ Phụ chánh lâm thời do Thọ Xuân vương làm chủ tịch. Bên cạnh đó, một Cơ mật viện do Nguyễn Văn Tường làm chủ tịch cũng được thành lập gồm những Thượng thư cũ không có tinh thần chống Pháp.
Tỷ lệ phân chia 50/50
Tất nhiên trong những ngày này, kho báu triều Nguyễn còn lại tại kinh thành và việc thu hồi số của cải trên đường di tản của vua Hàm Nghi là những vấn đề trọng yếu nhất đối với De Courcy. Bước đầu, ông ta tìm thấy 76.212 thỏi bạc, mỗi thỏi (nén) nặng 10 lạng; trên 10 ngàn nén vàng và 4 ngàn tiền đồng, phù hiệu các loại.
Chỉ 3 ngày sau khi vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế, tức ngày 8.7.1885, viên Thống tướng này đã liên lạc với Bộ Chiến tranh ở Paris, báo cáo tình hình kho báu triều Nguyễn với một khối lượng vàng, bạc khổng lồ. Ông ta đề nghị dành một phần kho báu này để trang trải chi phí tổ chức “đạo quân người bản xứ” và bày tỏ ý kiến là chính quốc cần cử sang Việt Nam những người có thẩm quyền giải quyết vấn đề của cải cùng các tài sản có tính nghệ thuật.
Trong lúc chờ đợi một giải pháp dứt khoát về kho báu triều Nguyễn, De Courcy vẫn giữ quyền quản lý số tài sản kếch xù đó. Ngày 19.9.1885, nhân lễ tấn tôn của ông hoàng Chánh Mông với niên hiệu Đồng Khánh, viên tướng này ban thưởng cho mỗi sĩ quan và binh lính Pháp một đồng tiền vàng to lấy từ trong cung điện. Đối với những vật dụng có tính nghệ thuật mà người Pháp lúc đó gọi là “trésors artistiques” (bảo vật nghệ thuật), ông ta cho trả lại tân vương Đồng Khánh. Trong số những bảo vật được trao trả công khai, có các ấn bằng vàng và ngọc bích của các vua đời trước, các kim sách (sách vàng) của triều đình. Việc làm này được ông ta thông báo trước với Bộ Chiến tranh ở Paris qua một điện tín gửi đi ngày 14.9.1885.
|
Không lâu sau, bỗng nhiên vấn đề kho báu triều Nguyễn trở thành mối quan tâm đặc biệt của ba bộ trong chính phủ Pháp cùng lúc, đó là Bộ Hải quân và Thuộc địa, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh. Sau những cuộc thảo luận và tranh cãi kéo dài, cuối cùng vào tháng 1.1886, ba bộ trên đạt thỏa thuận chung như sau:
- Giao trả lại cho tân vương Đồng Khánh phân nửa kho báu (việc này được Tổng trú sứ Paul Bert thực hiện vào tháng 5.1886).
- Phân nửa còn lại được dành bồi hoàn cho công khố Pháp đã ứng trước để tiến hành các hoạt động quân sự và đài thọ các chi phí quản lý cho bộ máy bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ.
Thỏa thuận đạt được từ tháng 1.1886, song phải chờ đến 6 tháng sau mới được thực hiện.
Kho báu sang Paris
Tháng 7.1886, phân nửa kho báu triều Nguyễn được chuyển từ Huế vào Sài Gòn, rồi từ đây được đưa xuống tàu đi Marseille (Pháp) trong 206 rương được niêm phong cẩn thận.
Ngày 6.10.1886, chúng được đưa tới ga Marseille rồi cho lên 4 toa tàu được niêm chì cẩn thận. Nha Tiền tệ thuộc Bộ Tài chánh ở Paris được thông báo về chuyện này và các viên chức của Nha túc trực sẵn ở ga để gỡ niêm phong và cân các rương vàng bạc. Trước tiên, họ lập biên bản về 192 rương có đánh dấu. Về bạc, họ lập biên bản ghi nhận 38.106 thỏi, với trọng lượng chung 14.631 kg, mất 27 thỏi so với danh sách ban đầu. Họ cũng xác định có một số lượng khá nhiều thỏi bạc có lẫn cát, do kỹ thuật đúc tạo nên. Việc tiếp theo của các viên chức Nha Tiền tệ là lập biên bản với 14 rương của cải có ghi dấu O (chữ tắt của OR trong tiếng Pháp nghĩa là vàng). Các rương này chứa 7.635 thỏi vàng và tiền, với trọng lượng chung hơn 1.335 kg. Ngày 19.10.1886, các viên chức này lập biên bản chính thức trình cho Giám đốc Nha Tiền tệ Jean-Louis Ruau.
Ruau nhanh chóng nhận ra rằng khối lượng của cải mà ông ta quản lý không chỉ là vàng, bạc, tiền đồng mà còn là những sản phẩm có giá trị lịch sử. Ông ta đòi hỏi phải có một người rành chữ Hán, hoặc ít nhất biết đọc những chữ khắc trên các thỏi vàng và bạc, để giúp làm sáng tỏ hơn số tài sản mà cơ quan của ông ta có trách nhiệm quản lý.
Ngày 2.11.1886, Bộ trưởng Tài chánh Sadi Carnot (về sau làm Tổng thống Pháp) thông báo cho Ruau biết là ông ta đã mời được một chuyên gia có tên Gabriel Devéria để đọc các chữ khắc trên các thỏi vàng, bạc và tiền tệ lưu hành tại Việt Nam.
Bình luận (0)