Khó khăn từ dịch Covid-19 và hạn mặn: Người trẻ trăn trở 'miếng cơm manh áo'

21/03/2020 17:14 GMT+7

Dịch Covid-19 và hạn mặn đang diễn ra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến 'miếng cơm manh áo' của người nông dân. Từ đó, gây nên bao niềm trăn trở của những người trẻ về gia đình, về việc học.

Những khó khăn trong mùa dịch Covid-19 cùng với hạn mặn, sinh viên (SV) càng thấy thương giọt mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình bỏ ra. 

Mong mang hình ảnh trái cây đi khắp thế giới

Với khó khăn hiện tại, nhiều SV mong muốn bằng những kiến thức học được sẽ mang hình ảnh trái cây quê nhà tới nhiều nơi trên thế giới.
Nguyễn Văn Phúc Kha, SV năm 1, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở Tiền Giang, cho biết gia đình trồng mận An Phước. Hiện tại, giá mận loại 1 từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, loại 2 từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Sở dĩ, giá mận thấp như vậy là do đang vào chính vụ và một phần việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid- 19, đồng thời thị trường trong nước tiêu thụ chậm. Với giá mận thấp như vậy, sau khi trừ chi phí thì 1kg mận chỉ lời khoảng 2.000 đồng, vì chi phí bón phân, xịt thuốc, tiền thuê nhân công bọc mận và thương lái chọn mận chỉ lấy loại 1, mua giá rất thấp loại 2. Chưa kể mận hư do côn trùng đốt thì không bán được phải đem bỏ. Hiện nay, vì dịch Covid-19, gia đình Kha phải tiết kiệm hơn lúc trước nhiều và đang tính chuyển đổi sang trồng mít siêu sớm vì lợi nhuận cao hơn và dễ chăm sóc hơn mận An Phước.
Kha tâm sự: “Nhìn thấy mồ hôi cha mẹ đổ ra như vậy mà kết quả không cho trái ngọt", mình thấy thương ba mẹ. Muốn thu hoạch được trái mận, ba mẹ mình phải đổ công sức hơn 3 tháng từ lúc mận ra hoa đến khi đem bán. Những ngày nghỉ học ở nhà, mình phụ ba mẹ thu hoạch mận lại càng thương hơn nữa. Thu hoạch mận rất vất vả, phải trèo lên cây hái từng trái một rất cẩn thận, cho vào giỏ, chạy 3 km mang ra chợ bán. Ngoài ra, mình còn trồng thêm rau ra chợ bán. Vào đợt thu hoạch mận, ba mẹ mình làm xuyên suốt và không ăn trưa, tranh thủ hái nhanh để kịp giao hàng cho thương lái. Mình có ý định bán online vì không tốn vốn và tiền thuê mặt bằng. Ngoài ra, mận An Phước sẽ được nhiều người biết đến và tìm mua nhiều hơn.”

Người trẻ phụ ba mẹ tưới cây.

K.H

Trong tương lai, Kha dự định sẽ dùng những kiến thức mình học về truyền thông, mong muốn đưa hình ảnh trái mận An Phước đi khắp nơi trên thế giới và hướng đến sản xuất trái mận sạch bệnh, không thuốc trừ sâu để nâng cao giá trị trái mận và tạo ra nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Không còn viễn cảnh được mùa mất giá nữa. Kha mong muốn đợt dịch bệnh nhanh chóng qua đi có thể đi làm trở lại kiếm tiền phụ giúp ba mẹ trang trải chi phí học tập.
Tương tự, Võ Thị Kiều Hạnh, SV năm 1, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quê ở Đồng tháp cũng cho biết hiện tại nhà Hạnh đang trồng hoa màu, khá nhiều loại như: bắp, ớt, ổi, chanh... Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá nông sản đang rất thấp và bấp bênh. Ngoài ra, tình hình hiện tại toàn khu vực đang thiếu nước. Tuy nhiên, do chỗ Hạnh ở không ảnh hưởng bởi ngập mặn nên cũng đỡ phần nào.
Nông sản giá thấp dẫn đến việc chi tiêu gia đình Hạnh gặp không ít khó khăn. Việc học đa phần đều phụ thuộc vào tiền bán nông sản của ba mẹ nên khi ảnh hưởng mùa dịch, nông sản mất giá, hạn hán cho nên gia đình Hạnh ít mua sắm thiết bị, chi tiêu nhỏ giọt, hạn chế tiêu xài cũng như tiết kiệm nhiều hơn. Bản thân Hạnh cũng tìm thêm một số công việc làm thêm lúc rảnh rỗi.
“Thật sự thì làm nông nghiệp đã cực rồi. Nếu tình hình này kéo dài thì kinh tế gia đình sẽ khó xoay sở lắm! Dù cực nhưng ba mẹ phải gánh gồng cả gia đình mình vượt qua cơn khó khăn này. Hết vụ này thì phấn đấu ở vụ khác vậy. Mình mong muốn tình hình thị trường ổn hơn, hạn hán tại khu vực sẽ giảm. Mình cũng động viên ba mẹ và tranh thủ thời gian được nghỉ này phụ giúp ba mẹ, tỉa bắp, hái trái cây”, Hạnh bày tỏ.

Tận dụng thời gian nghỉ học phụ ba mẹ chăm sóc vườn.

K.H

Lo lắng con đường đến với ước mơ

 Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc trồng nông sản. Thế nhưng, dịch Covid-19 và hạn mặn đang hoành hành khiến cho học sinh (HS) lớp 12 trước ngưỡng cửa vào ĐH cũng vô cùng lo lắng.
 Đỗ Thị Thúy Duy, HS lớp 12A3, Trường THPT Thanh Bình 2 (Đồng Tháp), chia sẻ: “Gia đình mình đang trồng ớt nhưng giá cả hiện nay rất bấp bênh, nhiều nhà trồng rất tốt nhưng lại giá quá thấp làm cho người nông dân phải thua lỗ nặng, tốn tiền thuê nhân công, tiền mua phân bón. Giá ớt năm nay giảm mạnh so với các năm trước vì một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay và do ảnh hưởng của thời tiết năm nay không được thuận lợi lắm. Chính vì ớt là nguồn thu nhập chính của gia đình để mình vào học đại học, nhưng bị mất giá như thế mình rất lo lắng cho ba mẹ và cho con đường đi đến ước mơ của mình”.
 Trước tình hình nông sản bị giảm sút nặng nề như hiện nay, Duy cảm thấy thương cho người nông dân và ba mẹ mình, vì làm vất vả để có được thành quả nhưng lại không có giá. Giá cả nông sản giảm không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì không được đầy đủ như trước.

HS lớp 12 lo lắng cho tương lai tiếp nối giảng đường.

T.Đ

 “Ớt không có giá nên người dân phải tự phơi khô để chờ giá tăng trở lại, trong đó có gia đình mình. Nhìn ba mẹ vất vả nên mình cũng tranh thủ thời gian rảnh phụ giúp ba mẹ để giảm bớt tiền thuê nhân công, vì ớt mất giá mà thuê nhân công sẽ không có lời. Mình hy vọng giá ớt sẽ tăng trở lại để cho người dân và gia đình mình có thể giảm bớt sự lo lắng và thoát khỏi cảnh khó khăn này”, Thúy Duy thổ lộ.
 Nguyễn Thành Đạt, HS lớp 12A2, Trường THPT Thanh Bình 2, cho biết mùa dịch này nhà Đạt ảnh hưởng khá nhiều. Những năm gần đây gia đình Đạt chủ yếu trồng bắp, hiện giá trên thị trường rất thấp chỉ 3.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với lúc chưa có dịch giá khoảng 20.000 đồng/kg.
 “Hiện tại, giá bắp càng ngày thấp, ba mẹ mình phải đau đầu tìm mọi cách để khắc phục và xoay sở. Thấy ba mẹ như vậy, trong lòng mình cũng lo lắng, vì dịch bệnh mà trên đôi mắt của ba mẹ thêm sâu, vì dịch Covid-19 mà kinh tế của gia đình mình bước vào khó khăn”, Đạt bộc bạch  
 Đạt cho biết trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 hiện nay, mỗi ngày Đạt ra vườn tưới nước, tưới vôi, rải phân giúp ba mẹ. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào nông sản để có thu nhập, mất giá dẫn đến gia đình ăn uống nhỏ hẹp hơn, không còn đầy đủ như trước. Ba Đạt trong thời gian này có đi làm thêm nghề sơn ở gần nhà để trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn này. Đạt mong muốn dịch bệnh sẽ mau hết để giá cả nông sản trở lại bình thường, kinh tế gia đình được ổn định.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.