Khó lường trận chiến ở Donbass

Văn Khoa
Văn Khoa
21/04/2022 05:34 GMT+7

Tình hình ở miền đông Ukraine đang nóng lên nhanh chóng sau khi Nga tiến hành chiến dịch giai đoạn 2, còn phương Tây thì cam kết cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv.

Bộ Quốc phòng Anh ngày 20.4 cho hay Nga tiếp tục tăng cường binh lực ở biên giới phía đông của Ukraine và giao tranh trong vùng Donbass đang leo thang, theo Reuters. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố các lực lượng nước này đã nhắm vào 1.053 cơ sở quân sự, loại bỏ 31 chốt chỉ huy quân sự, 6 kho nhiên liệu và 106 vị trí khai pháo ở Ukraine trong đêm, theo hãng tin TASS. Trong khi đó, cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych khẳng định binh sĩ Ukraine đã chặn đà tiến quân của lực lượng Nga từ TP.Izium thuộc đông bắc Ukraine tiến tới TP.Sloviansk gần đó, theo Reuters.

Lực lượng cứu hộ tại một tòa nhà bị hư hỏng trong chiến sự ở TP.Mariupol ngày 19.4

Reuters

Cùng ngày, Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn 4 ngày của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhằm cho phép sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự, theo tờThe New York Times. Ngoài việc kêu gọi đình chiến, ông Guterres còn chỉ trích hoạt động quân sự mới của Nga ở Donbass. Phó đại sứ Nga nói việc ngừng bắn theo lời kêu gọi đó chỉ giúp Ukraine có thêm thời gian trang bị vũ khí và tập hợp lực lượng.

Xem nhanh: Ngày 56 chiến dịch quân sự Nga, Mariupol cầu cứu, tổng thống Ukraine trách phương Tây do dự

Trận chiến rất khác

Nga hôm 19.4 xác nhận giai đoạn hai của chiến dịch quân sự ở Ukraine đã bắt đầu với mục tiêu là “giải phóng” hai vùng ly khai Luhansk và Donetsk. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo cuộc chiến ở Donbass có thể rất khác so với những cuộc giao tranh trên phố xung quanh Kyiv trong giai đoạn một, theo Đài NBC News. Ông Kuleba cho rằng cuộc chiến mới ở Donbass có thể xảy ra giao chiến khắp các cánh đồng, có hàng ngàn máy bay, xe tăng và xe bọc thép tham gia. Đây sẽ là trận chiến ác liệt và có thể đẫm máu nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, theo nhận định của tạp chí The Spectator.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN mới đây, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh trận chiến ở Donbass “rất quan trọng đối với Ukraine vì nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện chiến sự”. Ông còn cho rằng lực lượng Nga có thể cố giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv lần nữa nếu giành chiến thắng ở Donbass.

Bộ trưởng Shoigu lên án phương Tây muốn chống Nga 'đến người Ukraine cuối cùng'

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã tuyên bố đây là thời điểm quan trọng trong toàn bộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Một số nhà quan sát khác cho rằng chiến thắng ở miền đông Ukraine sẽ không chỉ tạo áp lực với phương Tây mà còn có thể cứu vãn các mục tiêu từ chiến dịch quân sự của Nga, còn nếu thua cuộc, đó sẽ là “thất bại lịch sử”, theo CNN.

Phương Tây gia tăng sức ép

Trước tình hình mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden và giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 19.4 nhất trí gia tăng “tình trạng cô lập quốc tế của Moscow”, theo AFP. “Chúng tôi sẽ thắt chặt các lệnh cấm vận đối với Nga, đồng thời tăng hỗ trợ tài chính và an ninh cho Ukraine”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter. Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Canada cam kết gửi thêm vũ khí cho Ukraine. Reuters còn dẫn một số nguồn tin tiết lộ rằng trong vài ngày tới Tổng thống Biden sẽ thông báo gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine mà có thể lớn bằng gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD được công bố hồi tuần trước, trong đó có lựu pháo. “Đây sẽ là cuộc xung đột pháo, họ cần hỗ trợ thêm về pháo, đó là những gì chúng ta đang cho họ”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các nghị sĩ ở London.

Ukraine được Mỹ và đồng minh cung cấp linh kiện máy bay chiến đấu

Cũng trong ngày 19.4, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay Ukraine mới đây đã nhận chiến đấu cơ và phụ tùng máy bay. Ông Kirby không nói rõ quân đội Ukraine đã nhận được loại máy bay quân sự nào, trong khi Kyiv trước đó kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp tiêm kích MiG-29. AFP dẫn lời giới quan sát cho rằng việc cung cấp pháo và chiến đấu cơ cho thấy có sự thay đổi trong thái độ của phương Tây, vốn lúc đầu từ chối gửi sang Ukraine vũ khí hạng nặng để tránh việc Nga có thể xem là tham chiến. Một số chuyên gia nhận định việc phương Tây gia tăng cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc duy trì đà tiến quân ở miền đông Ukraine, theo tạp chí Foreign Policy.

“Pháo đài” Azovstal

Nhà máy luyện kim Azovstal

REUTERS

Thành phố Mariupol thuộc đông nam Ukraine bị quân Nga vây hãm gần 2 tháng qua mà chưa thất thủ bởi lực lượng Ukraine vẫn phòng thủ tại “pháo đài” Azovstal bất chấp sức ép cực lớn.

Bộ Quốc phòng Nga đã liên tiếp đưa ra các tối hậu thư kêu gọi lực lượng Ukraine bên trong nhà máy luyện kim Azovstal bỏ vũ khí ra hàng. Mới nhất, Nga đưa ra thời hạn cho lực lượng Ukraine là 14 giờ ngày 20.4 (18 giờ theo giờ Việt Nam). Theo AFP, phe ly khai Donetsk ngày 20.4 thông báo 5 quân nhân Ukraine tự nguyện rời nhà máy Azovstal. Ukraine chưa xác nhận thông tin này, nhưng Tổng thống Volodymir Zelensky đã tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng tại Mariupol.

Azovstal là một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu với diện tích hơn 10 km2, theo The New York Times. Hiện nhà máy đã ngừng sản xuất và hệ thống hầm ngầm đang là nơi trú ẩn của dân thường cùng hàng ngàn thành viên lực lượng Ukraine. Theo giới phân tích quân sự, cấu trúc của nhà máy này rất đặc biệt, với thiết kế có thể chống chọi các vụ tấn công. Các đường hầm được che chắn bởi bê tông cốt thép dày vài mét, hệ thống kết nối và thông tin liên lạc đáng gờm, có thể hỗ trợ cho lực lượng Ukraine.

Đông A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.