Khó mở lại chợ truyền thống

Nguyên Nga
Nguyên Nga
27/07/2021 07:06 GMT+7

Lãnh đạo các bộ ngành và địa phương đều cho rằng việc mở lại chợ truyền thống là cần thiết để giảm áp lực cho hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, việc mở lại chợ lúc này là điều không dễ.

Vừa mở lại đóng

Ngày 24.7, Sở Công thương TP.HCM tiếp tục hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ và các quận huyện cách thức tổ chức chợ truyền thống, thậm chí vẽ sơ đồ tham khảo để bố trí khoảng 12 gian hàng kinh doanh, điểm bán lẻ phù hợp tình hình hiện tại.
Theo đó, người mua đi từ bãi giữ xe, thẳng vào khu vực kiểm tra đo thân nhiệt, qua khai báo y tế rồi đi qua các quầy bán thịt, rau củ quả, trứng, thủy hải sản rồi thẳng ra lối khác qua khu vực kiểm soát để về. Sơ đồ gợi ý này cũng ghi khoảng cách giữa các sạp cách nhau 2 m, người mua hàng cũng cách tối thiểu 2 m, giữa các quầy có vách ngăn trong suốt 3 mặt…
Song song đó, Sở cũng hướng dẫn các địa phương áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân, phát phiếu, đi chợ theo ngày chẵn - lẻ. Tại các chợ có nguy cơ cao, Sở yêu cầu các đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động cam kết tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19, đồng thời “đơn vị quản lý chợ và hộ kinh doanh thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo mẫu phụ lục hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 5858 ngày 21.7”.
Trước đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh phía nam mở lại chợ truyền thống nhưng phải đáp ứng được 3 điều kiện. Đó là chỉ bán hàng hóa thiết yếu gồm rau củ quả và hàng tươi sống phục vụ đời sống hằng ngày; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho người dân như tuân thủ 5K, phát phiếu đi chợ, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng; thực hiện tiêm vắc xin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống. Khảo sát tại các chợ truyền thống và đầu mối ở TP.HCM cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh “mở lại chợ là cần thiết”.
Thế nhưng, điều này lại không đơn giản. Trong tuần qua, có 2 chợ truyền thống là Nguyễn Tri Phương (Q.10) và Bình Thới (Q.11) sau hơn nửa tháng mở cửa hoạt động trở lại, phải đóng cửa lần thứ 2 vì liên quan ca F0 vào chợ. Vài chợ truyền thống hạng 3 còn hoạt động cũng được tạm đóng để thực hiện phòng chống dịch do có ca nhiễm Covid-19 vào chợ. Đến nay, toàn thành phố đã có 205/237 chợ đang tạm đóng và con số này tiếp tục tăng khi tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nhiều hơn.

Áp dụng mô hình chợ dã chiến?

Việc mở lại chợ truyền thống ngày càng cấp thiết, bởi có một thực tế là từ khi đóng chợ thì nông dân không tiêu thụ được nông sản trong khi người tiêu dùng tại TP.HCM lại thiếu rau, củ, trái cây.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét các hướng dẫn, yêu cầu về mở chợ truyền thống hiện nay bất khả thi. Đơn cử với 3 yêu cầu của Bộ Công thương thì các chợ có thể đáp ứng được 2 tiêu chuẩn về chọn mặt hàng thiết yếu để bán lại, thực hiện 5K..., nhưng tiêu chuẩn tiêm vắc xin hết cho tiểu thương bán hàng lại không thuộc “ý chí chủ quan” của ban quản lý chợ mà phụ thuộc vào thực tế phân bổ vắc xin tại địa phương. Bài học từ chính các chợ truyền thống cho thấy, công tác khử khuẩn tốt, mở lại vẫn “dính” dịch. Thế nên, theo ông Phú, không nên bố trí chợ trong lồng chợ nữa vì chợ dân sinh tại VN, 10 cái có đến 9 chợ là có lối đi hẹp, quầy này san sát quầy kia. Giãn cách 10 sạp hay 3 sạp được bán thì vẫn loay hoay trong không gian chật hẹp của chợ, người mua vẫn “đụng” nhau như thường, khó đáp ứng quy định 5K.
Ông Phú đề xuất, nên áp dụng mô hình chợ dã chiến ra ngoài đường bằng việc kẻ ô, phân luồng, phân ô cho tiểu thương bán. Phương án này đáp ứng được quy định 5K tốt hơn là cứ phải vào trong chợ để bán trở lại. Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức những điểm bán hàng lưu động, kêu gọi siêu thị, đoàn hội bán hàng thì tổ chức y như vậy cho tiểu thương, đừng để tiểu thương mất cơ hội kinh doanh quá lâu trong mùa dịch.
Đến nay đã có 10 quận huyện tại TP.HCM không còn chợ, tại sao không kẻ ô cho tiểu thương bán hàng? Tương tự, chợ đầu mối cũng xây dựng theo mô hình dã chiến, tập kết hàng hóa ngay tại sân, phân ô như chợ Thủ Đức làm và chợ Hóc Môn dự kiến sẽ làm.
Ông Vũ Vinh Phú
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa gợi ý TP.HCM nên tham khảo mô hình chợ trời nông sản của các nước hay làm. Bán ngay trên đường phố, kẻ ô theo kiểu so le, giữ khoảng cách các ô 3 - 5 m tại một số cung đường trong nội đô. “Đừng loay hoay cho họp chợ trở lại trong không gian bịt bùng và chật chội nữa, cho dù có “năn nỉ” giãn cách thì không gian chật chội cũng khó thực hiện được. Bài học nhãn tiền thấy rất rõ với chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Bình Thới đều khử khuẩn vào cuối ngày, công tác phòng chống dịch có thể nói là rất tốt, nhưng vẫn “dính” Covid-19 trở lại”, ông Đỗ Hòa nói và cho rằng đang trong thời gian giãn cách, đường phố thông thoáng, kiếm vài đoạn đường dài 100 m vắng vẻ để kẻ ô họp chợ, tiểu thương đẩy hàng ra bán, cuối giờ dọn ngay về, làm vệ sinh. Có đội ngũ dân quân tự vệ có thể chấm điểm gian hàng nào không bảo đảm an toàn, vệ sinh khi bán hàng, tạm ngưng, thay tiểu thương khác…
“Chẳng hạn, chợ Tân Định (Q.1) đóng, ngay đường bên hông chợ nay vắng tanh, kẻ nơi đó 5 ô cho tiểu thương bán rau củ quả. Tương tự, chợ Phú Nhuận, có thể chọn đường vắng trong khu vực đó, kẻ ô cho 5 - 7 tiểu thương bán hàng luân phiên...”, ông Đỗ Hòa nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.