Khổ vì đất xen kẽ trong dự án

Đình Sơn
Đình Sơn
16/06/2020 06:15 GMT+7

Đất công xen kẽ giữa các dự án là nỗi khổ của hàng loạt doanh nghiệp trong mấy năm trở lại đây. Có dự án mất hàng chục năm chỉ để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án, trong đó có thủ tục cho đất xen kẽ.

43 miếng có cả kênh, rạch, đất méo mó...
Công ty Đông Dương mới có văn bản giải trình gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải trình về dự án khu nhà ở Vườn Xuân (TP.Vũng Tàu), trong đó khẳng định đến nay dự án đã hoàn thiện về pháp lý.
Theo đó, dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân (tên thương mại La ViDa Residences), có diện tích 25,6 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.650 tỉ đồng, trong quá trình thực hiện tất các thủ tục liên quan đến việc khảo sát, lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và các thủ tục liên quan đến đất đai đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như hướng dẫn chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở ban ngành các cấp thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đối với phần diện tích đất công cộng là đất kênh rạch nằm xen kẽ trong dự án khoảng hơn 32.000 m2. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân đã được phê duyệt thì phần đất công cộng này có khoảng hơn 10.000 m2 là đất ở. Tuy nhiên, các phần đất ở này được phân bổ xen kẽ thành rất nhiều miếng nhỏ với các hình dạng méo mó, không đồng bộ, không liền nhau, không có đường giao thông tiếp cận nằm lẫn trong các thửa đất ở mà công ty đã sở hữu, với tổng cộng là 43 miếng, trong đó có 18 miếng có diện tích nhỏ hơn 60 m2, cá biệt có rất nhiều miếng nhỏ từ 0,7 - 10 m2.
Theo quy định của pháp luật thì các miếng đất nêu trên không đủ điều kiện để phân lô đấu giá, không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ cho các cá nhân, tổ chức khác (nếu có) trúng đấu giá, không thể đủ điều kiện triển khai việc xây dựng với các miếng đất trên như theo quy hoạch 1/500 đã phê duyệt.
Tháng 7.2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Văn bản số 6374 gửi Bộ TN-MT xin ý kiến hướng dẫn việc thực hiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân.
Ngày 16.8, Bộ TN-MT có Văn bản số 3968 trả lời về việc này cho rằng căn cứ quy định của pháp luật, dự án Vườn Xuân đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận chủ trương thực hiện dự án bằng văn bản từ năm 2010 thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 thì UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện việc giao đất cho chủ đầu tư mà không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án, Công ty Đông Dương phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với diện tích đất được giao, được thuê theo quy định của pháp luật.
Do đang thực hiện các thủ tục liên quan theo hướng dẫn của Bộ TN-MT để hoàn thiện các thủ tục có liên quan đến phần diện tích này nên đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa đào đắp, san lấp, xây dựng trên phần diện tích đất công.

Dự án chậm do... thủ tục

Lý giải về việc dự án triển khai chậm, bà Phạm Thị Thanh Hằng, đại diện Công ty Đông Dương, cho biết dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương vào tháng 9.2010, đến tháng 12.2012 UBND đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án.
Tuy nhiên đến ngày 22.5.2013, UBND tỉnh có Văn bản số 3273 về việc tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dọc trục đường 3/2, TP.Vũng Tàu. Theo đó, phần mặt tiền đường 3/2 của dự án phải lùi vào 50 m để thực hiện dự án cây xanh và Sở Xây dựng đã thỏa thuận lại địa điểm để lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Văn bản số 2449. Điều này bắt buộc phải tổ chức lập lại quy hoạch từ đầu để đảm bảo đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sau khi việc lập quy hoạch đã hoàn thành, chuẩn bị thông qua nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mới thì Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu lại có Kết luận số 167 thống nhất chủ trương quy hoạch khu đất khoảng 4,4 ha tại P.12 làm thao trường cho lực lượng vũ trang TP.Vũng Tàu (diện tích 4,4 ha này nằm trong ranh giới thỏa thuận địa điểm dự án Vườn Xuân). Từ đây dự án lại phải thực hiện lại từ đầu các quy trình thủ tục, công việc liên quan đến dự án. Việc điều chỉnh quy hoạch mất 4 năm mới hoàn thiện.
“Việc công ty chúng phải nhiều lần lập lại các quy trình thủ tục, điều chỉnh quy hoạch do quy mô diện tích dự án liên tục phải điều chỉnh đều xuất phát từ việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của cơ quan các cấp, các ngành. Vì vậy, việc công ty chúng tôi xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án là phù hợp với thực tế và phù hợp với quy định cũng như đảm bảo đúng quy trình thủ tục của pháp luật”, bà Hằng cho hay.
Tại hội thảo về thị trường bất động sản do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính là vấn đề các doanh nghiệp bức xúc nhất vì mất quá nhiều thời gian, công sức, chi phí. Cá biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, công ty này đã mất 15 năm để hoàn thiện thủ tục cho một dự án. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá nhà đất không thể giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.