Khoác ‘áo mới’ cho đường làng bằng những ‘bức tranh phế thải’

19/03/2021 12:18 GMT+7

Từ những vỏ chai, mảnh vỡ bỏ đi, một nhóm người ở Hà Nội đã biến đường làng, ngõ xóm thành nơi “triển lãm tranh” với những bức họa bằng vật liệu tái chế đẹp mắt.

Những đóng góp nhỏ bé mang lại ý nghĩa to lớn

Từ đầu năm 2021, làng Liên Mạc (P.Liên Mạc, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có những bức tường cũ được tô điểm bằng nhiều bức tranh sống động, khiến ai đi qua cũng phải ngắm nhìn. Những tác phẩm này được ghép lại từ những mảnh vỡ chai, lọ... tưởng chừng như vô dụng.
Ý tưởng này đã được chị Ngô Quỳnh Liên (trú làng Liên Mạc), là giám đốc một công ty về mỹ thuật, ấp ủ từ lâu khi chứng kiến khu vực sinh sống chịu ảnh hưởng nhiều bởi rác thải sinh hoạt cũng như sự hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Cổng làng Liên Mạc

Ảnh Anh Sơn

Thời gian đầu, nhóm của chị Liên chỉ có 3 người. Nhóm đã xin phép lãnh đạo xã và vận động, tuyên truyền người dân địa phương cùng hưởng ứng, đóng góp phế thải để thực hiện.
Theo chị Liên, các bạn nhỏ là những người mong muốn đóng góp công sức của mình trên con đường đi chơi, đi học hàng ngày, các em khá hăng hái góp chai lọ, bát đĩa vỡ cho nhóm thực hiện.

Những bức tranh gần gũi với người dân địa phương khiến ai cũng thích thú

Ảnh Anh Sơn

Đã không ít lần chị Liên thấy những túi phế liệu to đặt trước cổng cùng mảnh giấy với lời nhắn nhủ dễ thương do các em học sinh để lại. Qua đó cho thấy, nếu giáo dục, tuyên truyền đầy đủ, các bạn nhỏ sẽ biết ý thức tình yêu quê hương, xóm làng được hình thành từ những hành động nhỏ nhất.
“Dự án này không chỉ diễn ra trong vài tháng mà sẽ còn tiếp tục lâu hơn nữa, để mỗi con đường ở Liên Mạc là một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ cần địa phương ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm”, chị Liên nói.

Công trình được xây dựng từ tình yêu quê hương

Trong 3 người đầu tiên xây dựng ý tưởng, chỉ có chị Ngô Quỳnh Liên gắn bó và hiện đang làm công việc nghệ thuật. Ban đầu, lãnh đạo địa phương tỏ thái độ e dè và nêu ra những khó khăn. Tuy nhiên, những người con sinh ra từ làng Liên Mạc tỏ ra rất quyết tâm với ý tưởng của mình.
“Nhiều ngày liên tục gắn những mảnh sành, mảnh sứ khiến bàn tay mất cảm giác. Nhưng tình yêu quê hương đã thôi thúc, khiến mình quên cả mệt mỏi, rét buốt, bụi bẩn, qua đó gắn bó với con đường làng suốt mấy tháng liền”, chị Liên nhớ lại những ngày tháng vất vả nhưng ý nghĩa của mình.

Chị Ngô Quỳnh Liên (trái) bên một bức tranh tường ở Liên Mạc

Ảnh Anh Sơn

Vẽ tranh tường đang là xu hướng tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của chị Liên, vẫn chưa có nhiều con đường thực sự đạt giá trị nghệ thuật, nhiều con đường bị sơn vẽ tạo nên cảm giác mất cân đối, thiếu sự hài hoà, đặc biệt chưa có cái “hồn”.
Là một nghệ sĩ, đã thực hiện nhiều công trình khắp cả nước, chị Liên vẫn luôn đau đáu suy nghĩ làm sao cho quê hương mình vừa sạch, vừa đẹp.
“Đối với chúng tôi, xây dựng quê hương là trách nhiệm, không có chuyện ngày một ngày hai. Tôi hy vọng những bức tranh phế thải ở làng Liên Mạc sẽ lan toả thông điệp, ý nghĩa khắp cả nước về bảo vệ môi trường cũng như làm đẹp không gian sống”, chị Liên nói.

Đường phố đẹp, người dân không bày rác

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND P.Liên Mạc, cho biết công ty của chị Liên chuyên về vẽ, đắp bích họa, đã đề xuất UBND phường trang hoàng đường, ngõ để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Nhận thấy dự án có ý nghĩa, UBND P.Liên Mạc đã giao các tổ dân phố tuyên truyền người dân, hướng dẫn người đắp, vẽ và thống nhất về kỹ thuật, nội dung để phù hợp với cảnh quan.
Theo ông Tưởng, sau khi triển khai ở tuyến phố Hoàng Liên và nhận thấy sự ủng hộ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nâng cao, UBND phường đã đề nghi 10 tổ dân phố tiếp tục vận động người dân đóng góp mảnh chai, sứ, phế liệu... và phối hợp với nhóm của chị Liên triển khai ra toàn phường.
“Dự án này hết sức ý nghĩa, phát huy trách nhiệm, ý thức của từng người dân, hộ gia đình trong việc gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường cộng đồng. Đường phố đẹp khiến người dân không nỡ để rác bừa bãi”, ông Tưởng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.