Một trong những bí quyết của những người chủ động rút ngắn khoảng cách với con cái, học trò hay người nhỏ tuổi hơn là hãy làm gương chứ không chỉ làm mẫu, tức là nói đi đôi với làm.
Phụ huynh (phải) trong một lớp học đối thoại với người trẻ do Nhà thiếu nhi TP.HCM tổ chức vào tháng 3.2015 - Ảnh: Như Lịch
|
Quyền lực người lớn
|
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng nhìn nhận: “Giá trị sống hiện nay đã có sự thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ luôn cho rằng phải học mới thành tài nhưng có những bạn trẻ không nghĩ như vậy. Tôi nghe những người trẻ bây giờ nói với nhau: Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo!”.
Đề cập đến quyền lực người thầy và người lớn nói chung, thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng xã hội đang tồn tại xung đột thế hệ rõ rệt. Cô Huyền nhận xét: “Cha mẹ, thầy cô và người lớn thường tự cho mình có quyền nhiều hơn người trẻ. Ở nhà trường, nhiều giáo viên cố tạo ra quyền lực để học trò phải sợ và phục tùng mình. Nhiều thầy cô nắm quyền tối thượng trong lớp, có quyền quyết định các chuẩn mực đạo đức, nguyên tắc ứng xử trong nhà trường, bất chấp điều đó hợp lý hay không. Trong khi đó, người trẻ bây giờ được tiếp thu nhiều cái mới, nên cũng có ý thức rất cao về quyền của mình”.
Theo cô Thu Huyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột trên, đó là: Giáo viên nhận thức sai về quyền lực của mình, trách nhiệm đối với xã hội và khối lượng công việc quá lớn khiến họ không có điều kiện tìm ra giải pháp khác để giáo dục học trò. Mặt khác, điều này còn do ảnh hưởng văn hóa lâu nay, ở đó mọi người chấp nhận khoảng cách quyền lực rất xa giữa các thứ bậc khác nhau như trong quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con cái, sếp - nhân viên…
“Người lớn càng cố níu kéo quyền lực trong khi người trẻ càng cố vùng vẫy dứt ra. Cho nên cái nắm tay đó không bao giờ chặt cả. Cảm xúc cả hai đều tiêu cực, vì không có đối thoại chia sẻ”, cô Huyền nói. Vì vậy, theo cô Huyền, thay vì dùng quyền lực, người lớn nên tạo uy tín, sự gương mẫu và cần thay đổi nhận thức của chính bản thân mình trước khi muốn người trẻ thay đổi.
Chủ động gỡ bỏ rào cản
Nhìn vẻ tươi vui, năng động của Đặng Phước Tâm (sinh viên năm ba Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), không ai nghĩ rằng chàng trai này một thời rất nhút nhát. Tâm nhớ lại: “Trước đây, em xin đi chơi, giao lưu bạn bè, mẹ không cho đi vì sợ em giao du với những người xấu. Từ sự ràng buộc, giữ kỹ của mẹ, từ nhỏ em mắc phải hội chứng sợ đám đông, trong lớp em không dám giơ tay phát biểu”.
Ngã rẽ đến với Tâm khi anh chàng tình cờ được một người bạn dẫn đi tham gia một buổi nói chuyện “Đánh thức tiềm năng”. Từ đó, Tâm thay đổi nhận thức bản thân và tập thuyết trình trước đám đông. Khi trở thành sinh viên năm nhất, Tâm đã mạnh dạn viết một bức tâm thư gửi cho mẹ. Trong đó, chàng trai Tâm kể về thời thơ ấu lúc nào cũng quấn quít bên mẹ, nhưng càng lớn càng có khoảng cách, thậm chí một cái ôm cũng không có… “Mẹ em đọc xong thư thì khóc quá trời. Từ đó, mẹ quan tâm đến em hơn”, Tâm bày tỏ.
Tâm cho biết hiện nay giữa cha mẹ và Tâm vẫn còn những mâu thuẫn, bất đồng. Chàng trai này lý giải: “Người lớn tuổi hay bảo thủ, muốn an toàn và chỉ nhìn vào những mặt thất bại để ngăn cản. Trong khi đó, tụi em là người trẻ ưa thích khám phá cái mới, muốn mạo hiểm. Do vậy, tùy hoàn cảnh mà em cân nhắc để kết hợp, dung hòa hai yếu tố này. Mặt khác, em chủ động nói chuyện, chứng tỏ sự trưởng thành của bản thân để gầy dựng lòng tin nơi ba mẹ”.
Bà Vũ Hoàng Thục, Giám đốc điều hành Công ty Quà của bố, cho hay ngay từ khi con còn nhỏ, bà luôn gọi con là “bạn”. Bà Thục tự tin cho biết: “Nếu chúng ta cho phép con gọi mình là bạn thì các bạn ấy không hề xem thường mà rất tôn trọng mẹ. Bản thân chữ “bạn” giúp cho con của mình thấy có trách nhiệm với bản thân và với mẹ, với gia đình. Bạn ấy có quyền được nói, được quyền bảo vệ cho điều bạn nói và thuyết phục người khác…”. Theo bà Thục, một trong những cách để rút ngắn khoảng cách thế hệ là việc chúng ta cần tôn trọng cảm xúc thật của trẻ và điều chỉnh hành vi. Người lớn cần làm gương chứ đừng chỉ làm mẫu, tức là hãy làm những điều mình dạy bảo cho con.
Bà Nguyễn Thị Mai (ở P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) khẳng định khoảng cách thế hệ là do chính cha mẹ, người lớn tạo nên. Bà Mai chia sẻ kinh nghiệm: “Không phải cứ học cho cao, cho nhiều thì biết cách giải quyết vấn đề. Quan trọng là mình biết cách nhìn nhận, nắm bắt cách sinh hoạt của mỗi thế hệ khác nhau, từ đó có ứng xử phù hợp”.
Ý KIẾN
Khi trò gọi, tôi luôn “dạ”
Suốt 27 năm qua, tôi luôn gọi học trò mình là bạn, còn khi trò gọi cô thì tôi luôn dạ. Theo tôi, giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Khi đứng trên bục giảng, khoảng cách thầy trò chỉ ở góc độ truyền thụ và tiếp thu kiến thức mà thôi. Còn khi bước xuống bục là trách nhiệm của người lớn hơn và người nhỏ hơn, nên chúng tôi phải hướng dẫn học trò từng ly từng tí.
NGUYỄN THỊ ƯỚC (giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, H.Hóc Môn, TP.HCM)
Con sống chỉ một cuộc đời thôi
Mẹ em lúc nào cũng bảo bọc cho con cái, sợ con vất vả nên chu toàn mọi thứ. Khi em chọn ngành nghề, mẹ cũng muốn em theo nghề thẩm mỹ của mẹ, nhưng em giấu gia đình thi đậu vào ngành kinh tế. Em đã thuyết phục ba mẹ rằng con sống chỉ một cuộc đời thôi. Hãy cho con làm những việc con đam mê, yêu thích.
Phước Tâm (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
|
Bình luận (0)