Khoảng trống quà tặng ở bảo tàng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/09/2023 07:30 GMT+7

Khách tham quan đến các bảo tàng tại VN không có nhiều cơ hội mua một món quà tặng đặc trưng cho điểm đến này.

Cửa kho mở hé

Chị Thu Hà, một Việt kiều Đức, đứng rất lâu trước bảo vật quốc gia Bình phong ở Bảo tàng Mỹ thuật VN (Hà Nội). Tác phẩm này của danh họa Nguyễn Gia Trí gồm 8 tấm ghép lại thành bức tranh khổ lớn, một mặt là tranh Thiếu nữ trong vườn, mặt còn lại là Dọc mùng. Tác phẩm sơn mài có nền vàng lộng lẫy rất phương Đông. Chị Hà sau đó đã thất vọng khi không thể mua được một bản in tranh Bình phong để mang về bày trong nhà.

"Tôi muốn mua một bức tranh in như vậy để mang về nhà. Cũng giống như khi đi các bảo tàng nước ngoài, họ có các phiên bản in để khách mua về đóng khung treo. Nhưng ở đây lại không có", chị Hà tâm sự.

Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật VN có nhiều tác phẩm nổi tiếng nhưng chưa đem khai thác dưới dạng tranh in. Không chỉ có bảo vật quốc gia chưa có tranh in, nhiều tác phẩm khác được khách chú ý cũng trong tình trạng tương tự. Trong số tác phẩm thường được người nước ngoài chú ý, muốn mua về có tranh cổ động. Những bức tranh này có câu chuyện của thời kỳ lịch sử nhất định, khá hấp dẫn với họ.

Khoảng trống quà tặng ở bảo tàng - Ảnh 1.

Công chúng ngắm nhìn các bảo vật

TL Bảo tàng Mỹ thuật VN

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), gian hàng có rất nhiều sách. Đây là những cuốn sách ảnh, sách nghiên cứu công phu về văn hóa VN. Những cuốn sách về các bảo vật như đồ gốm trên tàu đắm, đồ đồng Đông Sơn, gốm Chu Đậu… đều hấp dẫn. Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ. "Tôi muốn có những móc khóa, những phiên bản đồ gốm nhỏ hơn của bảo vật quốc gia… như chiếc bình gốm thiên nga đã được công nhận bảo vật quốc gia từ đợt đầu thì tốt quá", chị Thu Hà nói.

TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá các bảo tàng ở VN hiện khai thác quà tặng chưa có gì nổi bật.

"Nếu so với các bảo tàng khác trên thế giới thì thua rất nhiều. Các bảo tàng trên thế giới sẽ có áo, mũ, túi, miếng dán tủ lạnh…, những series khai thác tác phẩm nghệ thuật như tranh của Van Gogh hay nhiều nghệ sĩ khác. Họ làm điều đó rất tốt. Nhưng ở nước ta, không chỉ bảo tàng đâu mà các điểm du lịch cũng chưa chú trọng tới những sản phẩm đó.

Các điểm du lịch trên thế giới thì cửa ra bao giờ cũng là các điểm bán sản phẩm liên quan đến điểm du lịch ấy. Họ có một hệ thống thiết kế, bản quyền riêng. Nói chung, tại VN chưa có điểm nào làm mạnh điều đó cả", TS Thủy đánh giá và cho rằng điều đó như chúng ta ở cạnh một kho của nả nhưng chỉ mở hé hé.

Khoảng trống quà tặng ở bảo tàng - Ảnh 2.

Phiên bản 70 cm của bảo vật quốc gia Quan âm chùa Hội Hạ (cao 3,15 m) được làm từ chất liệu tổng hợp

Việt Phương

Đa dạng hóa quà tặng

Kiến trúc sư Nguyễn Việt Phương, người từng số hóa và in thử nghiệm 3D nhiều bảo vật quốc gia, cho biết ở các nước trên thế giới, việc tạo ra các phiên bản của những bảo vật tại các bảo tàng rất phổ biến. Các bảo vật đó có thể là những phiên bản nhỏ hơn cùng chất liệu hoặc bằng nhiều chất liệu khác nhau, tùy vào mục đích và giá thành. Việc làm này góp phần lan tỏa giá trị của di sản chứ không hẳn là mục đích kinh tế.

"Ở VN, qua công tác số hóa các bảo vật quốc gia, tôi nhận thấy rằng việc sản xuất các phiên bản tạo ra các sản phẩm phái sinh từ những bảo vật quốc gia để tạo ra các sản phẩm lưu niệm là rất thuyết phục. Với những công nghệ trong nước từ dữ liệu số hóa, chúng ta đã có thể sản xuất ra những phiên bản với kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn với rất nhiều chất liệu khác nhau", ông Phương nói.

Khoảng trống quà tặng ở bảo tàng - Ảnh 3.

Bức tranh lụa Bữa cơm mùa thắng lợi của danh họa Nguyễn Phan Chánh có thể được in lại với khổ nhỏ và bán như quà lưu niệm

TL Bảo tàng Mỹ thuật VN

Ông Phương cũng cho biết hoàn toàn có thể làm những bản sao bảo vật nhỏ hơn bản chính, nhưng với kỹ thuật tương tự để thể hiện trình độ của người thợ khéo. Khi ông Phương làm bức tượng in 3D bảo vật quốc gia Quan âm chùa Hội Hạ, rất nhiều người trầm trồ. Bản sao (cao khoảng 70 cm) này còn được mang tới triển lãm thế giới EXPO để giới thiệu văn hóa VN khi không thể mang bản chính (cao hơn 3 m) đi được.

Ông Phương chia sẻ dưới sự cho phép của Bảo tàng Mỹ thuật VN, nhóm của ông đã tiến hành in 3D bằng vật liệu tổng hợp, rồi sử dụng phương pháp sơn thếp truyền thống phủ bề mặt. "Bên cạnh đó, chúng tôi còn áp dụng nhiều công nghệ sơn giả cổ để có thể tạo ra được chất liệu bề mặt. Chất liệu mới nhưng cách sơn và vật liệu sơn lại là cách truyền thống của VN giống như bức tượng gốc ở trong bảo tàng. Chúng tôi phải sơn và bóc rồi thếp vàng nhiều lần để tạo được bề mặt như tượng gốc", ông Phương nói.

Một loại sản phẩm khác theo ông Phương cũng có thể khai thác là tạo thành các hình ảnh động từ tranh, tượng thuộc sở hữu bảo tàng để đưa vào khai thác quà tặng. "Các sản phẩm này có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực, ví dụ như 3D Mapping, Hologram hoặc đơn giản hơn như hình đại diện của màn hình hay đại diện của điện thoại, iPad... Các bức tranh động sẽ mang đến những điểm sống động nhằm giúp người xem có thêm cái nhìn mới về giá trị nghệ thuật của tác phẩm", ông Phương chia sẻ.

Về điều này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết bảo tàng cũng đang phối hợp triển khai một số quà tặng như túi, bưu ảnh, sách về bảo tàng… Bảo tàng thuê một họa sĩ đồ họa người Mỹ thiết kế để sản xuất hàng loạt, trong đó có những đồ như ô, khăn, túi… gắn với hình ảnh bảo tàng.

"Túi hiện đang sản xuất rồi, vải canvas. Ô có loại có tên bảo tàng hoặc là các tác phẩm gắn trên ô, đang nghiên cứu để triển khai. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá thành, đưa vào bưu thiếp, sổ tay, quà nho nhỏ, túi, giá thành chỉ 200.000 đồng đổ lại mỗi sản phẩm. Còn bản sao thì có thể tiền triệu, tượng thì còn hàng chục triệu. Như thế vẫn có người mua, nhưng số lượng người mua không nhiều", ông Minh nói.

TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng các bảo tàng nên chú ý hơn tới việc phát triển loại hình sản phẩm này vì chúng mang lại nguồn thu đều đặn, đồng thời cũng khiến du khách có niềm vui mua sắm. Chỉ có điều, nên đa dạng hóa hơn các sản phẩm để vừa mới lạ, vừa kể được câu chuyện hiện vật của bảo tàng mình. Như thế, các sản phẩm sẽ thú vị hơn, không chồng chéo và du khách đi bao nhiêu bảo tàng sẽ mua bấy nhiêu loại quà tặng dễ dàng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.