Khơi dậy động lực và sức mạnh văn hóa

10/03/2022 05:16 GMT+7

Để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hóa , trước hết, phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch.

Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao.

Con người cần được tôn trọng

Phải bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hóa đó phải bắt đầu từ “cái nôi” đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hóa nâng con người lên trước những thử thách, khó khăn.

Tiếp theo, cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được. Động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, “chăm bón” từng ngày, từng giờ, từ những công việc nhỏ bé, bình thường đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống, trở thành “gen di truyền” văn hóa trong mỗi con người. Có như vậy, động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào khiến nó bị vẩn đục, tha hóa mà hậu quả là dân tộc ấy bị tàn lụi, đúng như câu nói văn hóa mất là dân tộc mất.

Văn hóa truyền thống của dân tộc bắt đầu từ “cái nôi” là gia đình

Đ.N.Thạch

Văn hóa là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những “hàng giả”, “hàng nhái”, thiếu chất lượng trong xã hội.

Để làm tốt những điều đó thì vấn đề pháp luật, kỷ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Những vụ án tham nhũng do Đảng tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân mọi tầng lớp trong cả nước. Kỷ cương được tôn trọng, công minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ khi họ làm đúng những gì luật pháp cho phép. Không còn phải sợ bị bóp méo, bị những áp lực không trong sáng từ một số kẻ thực thi biến chất. Như thế, động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người. Và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỷ cương, có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển.

Trong mọi khía cạnh của cuộc sống

Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hóa làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Thực tế là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, nếu người đứng đầu không làm gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Người đứng đầu liêm chính, có đạo đức thì sẽ tạo được sự kính nể, yêu quý của cấp dưới, nể phục của anh em, bằng không sẽ chỉ là một sự tuân phục giả tạo và đến một lúc nào đó mọi sự sẽ được tung hê, hạ bệ một cách nhục nhã. Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước.

Theo cách nhìn nhận như vậy, chúng ta còn có thể chỉ ra rất nhiều khía cạnh có thể khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong rất nhiều hoạt động khác nhau của mỗi con người. Vấn đề là nhìn ra được để khơi dậy động lực ấy làm nó thúc đẩy sự phát triển cho đất nước.

Như vậy, hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hóa ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy, bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa để có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa, mà không chỉ thuần túy ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hóa trong bối cảnh riêng của ngành mình. Nói như một vị lãnh đạo của Chính phủ Pháp trong một cuộc họp, đại ý là: văn hóa ở trong tất cả các vị bộ trưởng (với nghĩa lĩnh vực mà ông ta quản lý) đang ngồi đây, chứ không phải chỉ riêng của ngài bộ trưởng bộ văn hóa.

Thiết nghĩ sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn như vậy không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành, mà phải lan tỏa sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hóa đối với sự phát triển đất nước.

(*) Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Tựa đề do Thanh Niên đặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.