Khởi nghiệp nhờ quả bơ

Lê Thanh
Lê Thanh
18/11/2020 07:04 GMT+7

Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược là cách để khởi nghiệp của cô gái vùng đất Tây nguyên Phạm Thị Thu Hằng (34 tuổi).

Xuất thân là dân chuyên ngành sư phạm sinh học (Trường ĐH Tây nguyên) và được sinh ra ở một vùng đất mà cây bơ sai quả hằng năm (Đắk Lắk), Phạm Thị Thu Hằng đã kết hợp khả năng của bản thân và lợi thế của quê hương để khởi nghiệp.
Mục tiêu của Hằng là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ quả bơ tươi Tây nguyên, gồm hai mảng là mỹ phẩm và thực phẩm. “Việc sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ và thảo dược sẽ giúp liên kết các hộ nông dân, từ đó ổn định giá thu mua bơ, giảm tình trạng nông dân bị ép giá, được mùa mất giá. Giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của nông dân, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũ, hướng đến sản xuất bền vững”, Hằng chia sẻ.
Hiện tại Hằng đã tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều công dụng độc đáo, như son trái bơ giúp dưỡng mềm môi và lên màu trẻ trung tươi tắn; dầu rửa mặt ngăn ngừa mụn, làm phục hồi da, ngăn ngừa lão hóa…
Hằng nhìn nhận dự án khởi nghiệp với bơ và thảo dược có nhiều lợi thế, đó là sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn của Việt Nam, đặc biệt là của tỉnh nhà từ nguyên liệu chính như: quả bơ, cà phê, dầu gấc... cho đến các tinh dầu như sả, bạc hà, quế... và các loại bột thảo mộc như than tre, cà phê, tía tô, mướp đắng... Vì thế, chi phí cho nguyên vật liệu và vận chuyển nguyên vật liệu được giảm tối đa. Cũng từ ưu điểm này mà dự án có thể phát triển được nhiều sản phẩm mang tính đặc sản của địa phương.
“Mình tập trung vào thị trường ngách với khách hàng cụ thể là phái nữ ở độ tuổi từ 25 - 35. Đó là những người quan tâm đến làm đẹp, yêu thích sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên, có xu hướng tham gia các hội nhóm yêu môi trường, bảo vệ môi trường, cũng như thích sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn sức khỏe…”, Hằng nói.
Để có đầu vào nhằm cung ứng cho việc sản xuất, cũng như để kiểm soát và chủ động nguồn nguyên liệu, hiện tại Hằng đã có mạng lưới đối tác khá nhiều. Đó là các hợp tác xã bơ trong tỉnh, các vườn bơ của thanh niên tại các huyện ở Đắk Lắk. Riêng đầu ra cho sản phẩm, Hằng đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán quà lưu niệm, các đại lý bán hàng trực tuyến, các vườn ươm khởi nghiệp
Hằng cũng vạch ra những kế hoạch chi tiết để thu hút khách hàng. Đó là những chính sách ưu đãi, chăm sóc và tương tác với người dùng; xây dựng và gắn kết với khách hàng bằng những câu chuyện về sản phẩm, về tình yêu thiên nhiên, về nguyên liệu bản địa, về tinh thần Việt Nam…
Nói về nguồn doanh thu, Hằng cho biết sẽ thu hút từ nhiều nguồn, như doanh thu từ bán sản phẩm cho đại lý, khách lẻ, doanh thu từ gia công sản phẩm cũng như từ tổ chức các workshop trải nghiệm…
Các sản phẩm mà Hằng tạo ra đang mang theo nhiều giá trị: Đó là sản phẩm được kiểm định an toàn cho người sử dụng. Có tác dụng lâu dài và lành tính với mọi làn da, kể cả da nhạy cảm. Chưa kể, các sản phẩm thân thiện với môi trường, được làm từ những nguyên liệu tươi mới và được sản xuất từ nguồn tài nguyên bản địa. Được lựa chọn từ những nguyên liệu nguyên chất, hạn chế tối đa sử dụng các thành phần đã qua nhiều công đoạn xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.