Linh tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH An Giang rồi đi làm tự do. Trải qua 3 năm, công việc không ổn định nên Linh quyết định trở về với chuyên môn. Linh nhớ trong các tài liệu đã học ở trường có đề cập đến cây a ti sô đỏ có tác dụng giảm stress, giúp ngủ ngon, giảm nguy cơ ung thư, các bệnh về tim mạch, giảm huyết áp, đồng thời a ti sô là loại cây không cần sử dụng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Linh nghĩ cây này có thể kinh doanh và phát triển nên quyết định trồng thí điểm.
tin liên quan
Biến ý tưởng thành hiện thựcĐầu năm 2018, vừa đi làm vừa tìm kiếm thông tin về cây a ti sô đỏ qua các các tài liệu, Linh đã tìm mua hạt giống về trồng thử nghiệm trên đất An Giang. Kết quả, cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Linh mày mò tìm cách chế biến a ti sô đỏ thành trà, nước cốt, hoa sấy dẻo… với mong muốn tăng giá trị cho sản phẩm và bước đầu đạt được kết quả khả quan.
“Qua trồng thử nghiệm cho thấy công đầu tư thấp, thích hợp cho những người có vốn ít. 1 cây a ti sô trồng hơn 3 tháng là thu hoạch từ 3 - 5 kg, giá bán 10.000 đồng/kg. Tính ra mỗi công a ti sô cho lợi nhuận từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng”, Linh chia sẻ.
Tháng 11.2018, Linh tham gia hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ và Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp - Hội Doanh nhân trẻ VN tổ chức. Dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu chế biến và thương mại a ti sô đỏ tại An Giang” do Linh làm trưởng nhóm đoạt giải nhất.
Sắp tới, Đặng Hoài Linh sẽ nghiên cứu và tung ra thị trường thêm các dòng sản phẩm trà túi lọc a ti sô đỏ, trà a ti sô hòa tan... để phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời anh dự tính liên kết với nông dân, nhà vườn mở rộng diện tích trồng a ti sô đỏ tạo nguồn nguyên liệu cho thị trường. Ngoài ra, anh còn ấp ủ xây dựng khu vườn trồng a ti sô thành điểm du lịch canh nông, thu hút du khách đến tham quan, giải trí.
Bình luận (0)