Mua vào liên tục suốt 2 tuần qua khi giá nhiều cổ phiếu giảm sâu 20 - 25%, các nhà đầu tư nước ngoài đã có đợt giao dịch khá thành công khi hiện nay thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại.
|
Mua ròng gần 4.500 tỉ đồng
Trong phiên giao dịch hôm qua 19.5, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn với tổng giá trị 181 tỉ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 1.700 tỉ đồng, cao hơn cả lượng mua ròng của cả tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, các NĐTNN đã mua ròng gần 4.500 tỉ đồng.
|
Mức độ giải ngân của khối ngoại trong hai tuần qua khá mạnh, nhất là trong những phiên thị trường giảm điểm sâu và nhiều cổ phiếu (CP) giảm giá hết biên độ. Chẳng hạn, chỉ riêng phiên giao dịch ngày 8.5, khối ngoại đã giải ngân 243,45 tỉ đồng. Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt, phân tích: “Kể từ năm 2010 đến nay, khối ngoại liên tục có động thái mua vào nhiều hơn bán ra, mặc dù có những giai đoạn giao dịch khác nhau. Nếu trước đây khối ngoại ít mua bán liên tục thì hiện nay họ sẵn sàng chốt lời khi thị trường tăng điểm mạnh và mua vào khi thị trường giảm điểm. Chiến lược này không phải mới nhưng họ có kinh nghiệm và thực hiện đúng nguyên tắc khi giao dịch nên dễ dàng thu được lợi nhuận cao hơn các NĐT nội”.
Một phép tính nhỏ cho thấy chỉ trong 10 ngày qua, khối ngoại đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Đó là trong phiên ngày 12.5, khối ngoại mua vào hơn 1,5 triệu CP HAG (Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai) với mức giá từ 21.100 - 22.000 đồng/CP (mức giá ngang bằng cuối năm 2013 của CP này). Đến phiên hôm qua, giá CP HAG đã lên 24.500 đồng/CP, tăng khoảng 3.000 đồng/CP. Đây là một mức tăng cao hơn kỳ vọng và khối ngoại đã có thể thu lợi được hơn 4,5 tỉ đồng với lượng CP vừa mua vào.
Các NĐTNN mua gì?
Câu trả lời là những CP blue-chips. Từ đầu tháng 5 đến nay, khối ngoại cũng tập trung mạnh dòng tiền vào những CP thuộc nhóm này như HAG, ITA (Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo), HPG (Công ty CP tập đoàn Hòa Phát), VIC (Tập đoàn VinGroup - Công ty cổ phần), VNM (Công ty CP Sữa VN), DPM (Công ty CP phân bón và hóa chất dầu khí)… Đây cũng là những doanh nghiệp đang dẫn đầu về kết quả kinh doanh tốt trong quý 1 vừa qua. Chẳng hạn, HAG công bố lợi nhuận sau thuế đạt gần 400 tỉ đồng; VIC đạt 1.068 tỉ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013; HPG đạt 910 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 41% kế hoạch cả năm 2014…
Giám đốc một quỹ đầu tư Nhật tại TP.HCM nhận xét trong đợt giảm điểm mạnh vừa qua, hầu hết các quỹ đầu tư và bộ phận tự doanh của nhiều công ty chứng khoán đều mua ròng bởi đây là cơ hội quá tốt. Nếu nhiều CP trước đó rất khó mua do giá cao hoặc người bán không muốn nhả hàng thì ở những phiên vừa qua, cơ hội vàng đã đến với người mua. “Có thể thấy các NĐTNN luôn tuân thủ đúng chiến lược và kỷ luật mua thấp - bán cao, tham lam khi thị trường sợ hãi. Điều mà các NĐT trong nước dù biết rõ nhưng đã không đủ độ "lì" để thực hiện”, vị giám đốc này nói.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận xét: “Trong những phiên lo sợ thái quá, các NĐT trong nước đã bán ra và đánh mất thành quả của việc giá chứng khoán tăng trước đó. Ngược lại, với kinh nghiệm đối diện khủng hoảng và xử lý đầu tư, các NĐTNN đã bình tĩnh và gặt hái được nhiều kết quả. Điều này là đáng tiếc cho nhiều NĐT trong nước”.
Mai Phương
>> Hợp tác để phát triển thị trường chứng khoán
>> 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán
>> Hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán
Bình luận (0)