Khối ngoại quay lại gom mua cổ phiếu

Mai Phương
Mai Phương
30/09/2018 16:32 GMT+7

Sau nhiều tháng liên tiếp bán ròng kể từ tháng 5 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng.

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 vừa qua, các nhà đầu tư ngoại đã nhiều phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng nhà đầu tư ngoại mua ròng trên sàn chứng khoán Việt Nam 14,69 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị mua ròng 444,6 tỉ đồng. Tính chung trong cả tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng về khối lượng với 7,6 triệu đơn vị nhưng về trị giá lại mua ròng hơn 473 tỉ đồng.
Ngoài việc mua ròng trên sàn, thời gian gần đây khối ngoại cũng liên tục rót tiền gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ Tập đoàn SK Group công bố đầu tư 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan bán ra, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần của Masan Group. Trước đó, công ty quản lý quỹ Asam Việt Nam chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng ký thỏa thuận đầu tư trái phiếu chuyển đổi với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), giá trị 200 tỉ đồng. Đây là trái phiếu có quyền chọn chuyển đổi, bên mua được phép lựa chọn có chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc không.
Tương tự, công ty đến từ Nhật Bản Taisho vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang trong tháng 10. Nếu hoàn tất giao dịch, sở hữu của Taisho tại DHG sẽ tăng lên 32% vốn.
Hay cổ đông ngoại tại Vinamilk (VNM) là Paltinum Victory cũng tiếp tục đăng ký mua hơn 17,4 triệu cổ phiếu từ ngày 26.9 - 25.10 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại công ty này lên 11,82%. Một cổ đông ngoại khác của Vinamilk là F&N Dairy cũng liên tục đăng ký gom vào lượng lớn cổ phiếu. Sau nhiều lần đăng ký mua chưa xong, F&N Dairy tiếp tục đăng ký mua hơn 14,5 triệu cổ phiếu đến giữa tháng 10 để tăng tỷ lệ sở hữu lên 18,31%...
Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Rusell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, nhiều dự báo cho thấy nếu việc này hoàn thành, khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường rất lớn.
Theo Công ty chứng khoán MBS, giả thiết tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE các thị trường mới nổi phụ thuộc vào giá trị vốn hóa rổ chỉ số FTSE Vietnam Index, MBS ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging markets Index sẽ vào khoảng 0,3%. Dựa trên giá trị tổng tài sản một số quỹ ETF sử dụng chỉ số FTSE Emerging Markets làm tham chiếu và giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào các quốc gia đã được nâng hạng như Ả Rập Xê Út, MBS ước tính giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam sau đó sẽ đạt trong khoảng từ 184 - 555 triệu USD.
Không chỉ dòng vốn gián tiếp rót vào thị trường chứng khoán để gom mua cổ phiếu doanh nghiệp Việt gia tăng mà vốn góp mua cổ phần trực tiếp (FDI) cũng khởi sắc. Từ đầu năm đến hết tháng 9, cả nước cũng thu hút được 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp hơn 5,7 tỉ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.