Cái ý so sánh “nhà dân mới đổ cát chuẩn bị sửa bếp thì chính quyền xuất hiện hỏi giấy phép xây dựng, nhưng công trình trái phép to đùng chình ình trước mắt thiên hạ thì chính quyền không hay biết” có vẻ là một kiểu so sánh siêu kinh điển ở Việt Nam.
Nếu không phải thế thì sao lại có thể có những chuyện như núi Thị Vải bị băm nát cả năm trời rồi mà chính quyền không biết, mãi đến khi báo chí lên tiếng thì mới lập đoàn kiểm tra, mới quyết định khởi tố án hình sự phá hoại rừng. Trong khi, núi thì giữa trời giữa đất chứ có khuất trong góc xó nào đâu.
Xe cộ máy móc thi công thì vào ra công trình, máy đào máy cưa hoạt động ồn ã chứ có phải lén lút bí mật gì đâu. Nhưng không biết là không biết! Chính quyền địa phương quyết tâm không biết là không biết!
Cứ nhìn vào hình ảnh bản đồ Google Maps thì sẽ thấy, khu vực quanh núi Thị Vải, núi Tóc Tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đổi màu trắng toát, thay vì phải là màu xanh của thảm thực vật. Cái viễn cảnh núi Thị Vải, núi Tóc Tiên sẽ biến mất chỉ là vấn đề thời gian, chỉ là trong ngày tháng không xa.
Nói thẳng, dân so sánh theo kiểu ngậm ngùi vậy thôi, chứ còn họ thừa biết, không có ông trời con nào có thể ngang nhiên hoành hành phá núi phá rừng như thế mà không có sự che chắn của ai đó, của chính quyền sở tại. Thử truy lại xem, có bao nhiêu vụ phá rừng phá núi kiểu như thế trên đất nước này mà cuối cùng lại không dính dáng đến chính quyền sở tại không? Chí ít cũng là, chính quyền nhiệm kỳ trước nhắm mắt làm ngơ, tìm cách che chắn và chính quyền nhiệm kỳ sau xem xét xử lý. Kiểu gì thì cũng phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền.
Không thể để trên đất nước này cái trò chơi “không biết là không biết” trở thành một nghệ thuật lách luật nhằm bảo kê việc sai trái rồi đến khi bị phanh phui thì nói nhẹ như lông hồng là chính quyền không biết. Vậy sao dân biết, vậy sao báo chí biết, vậy sao Google Maps biết? Và, vậy sao biết cả những chuyện nhỏ tẹo như chuyện dân chuẩn bị sửa bếp mà lại không biết chuyện băm nát núi Thị Vải?
Có khi nào, những người hằng ngày đang hùng hục băm nát núi Thị Vải, kể cả những kẻ gọi là ông chủ công trình, cũng chỉ là những kẻ đóng thế trong một vở diễn của lợi ích đất đai, tiền bạc được dàn dựng công phu bởi ai đó phía sau? Khi chuyện vỡ lở thì chủ mưu cũng chỉ đơn giản nói rằng không biết.
Chúng ta cần đến cơ chế gì để nâng mức trách nhiệm của chính quyền địa phương, để cán bộ quản lý địa phương dù có muốn cũng không dễ mà bảo kê cho những chuyện vi phạm động trời? Chắc chắn, sẽ có hàng loạt các văn bản pháp lý, quy trình thủ tục đầy đủ cho thấy lưới pháp luật cũng chẳng phải mỏng manh, thưa thớt gì. Nhưng rồi vẫn không thiếu những chuyện lạ lùng khó hiểu như chuyện băm nát núi Thị Vải mà chính quyền không hay không biết.
Thật ra có thiếu cơ chế để xử lý những kẻ bảo kê hay đạo diễn cho sai phạm kiểu này đâu. Có thiếu là thiếu những cán bộ chính quyền thật sự liêm chính.
Bình luận (0)