Nghịch lý hỗ trợ

Vũ Hân
Vũ Hân
25/06/2021 04:51 GMT+7

Kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, khiến các nhà hoạch định chính sách “giật mình”, theo như lời Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương.

Doanh nghiệp đu xà đã mỏi”, “doanh nghiệp đang ECMO” là ví von của một số chuyên gia, cho thấy các doanh nghiệp đang kiệt quệ, khó có thể cầm cự lâu hơn nữa và cần phải được hỗ trợ.
Trớ trêu ở chỗ, gói hỗ trợ 62.000 tỉ của Chính phủ lại “ế nhệ”, có hạng mục chỉ giải ngân được 0,26%, chính là hạng mục cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động.
“Có ai có số liệu về doanh nghiệp rời bỏ thị trường không? Các doanh nghiệp này có tiếp cận được gói hỗ trợ không?”, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, và tất cả các đại biểu có mặt, gồm cơ quan quản lý nhà nước như đại diện Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước; đại diện các cơ quan nghiên cứu như Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM); đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội, chuyên gia đầu ngành… không ai có câu trả lời.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ví von hỗ trợ của Việt Nam như kiểu “bốc thuốc bắc”, tức là ước tính vậy thôi chứ không dựa trên một bằng chứng nào. Chúng ta biết con số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhưng không biết ở ngành nào, lĩnh vực nào, lý do họ rời là gì. “Thời buổi này, chỉ cần chúng ta xóa một cái app trên điện thoại cũng được hỏi lý do xóa, nhưng cả một doanh nghiệp, với lao động, thu nhập, tiền nộp ngân sách… rời đi, thì chẳng ai tìm hiểu xem là vì cái gì?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM, một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ KH-ĐT, thì cho biết trong 20 năm theo dõi doanh nghiệp, ông thấy rất nhiều chỗ là bức tranh “không có màu”, tức là có rất nhiều câu hỏi không trả lời được. Ví dụ tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp Việt Nam là bao lâu, doanh nghiệp phá sản tập trung ở nhóm nào, tại sao phá sản, khu vực nào tăng trưởng tốt, bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ “trưởng thành”, lên doanh nghiệp vừa rồi lên doanh nghiệp lớn, họ gặp khó ở đâu… Chính vì thế, không thể đánh giá được hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, và hỗ trợ trong bối cảnh Covid-19 nói riêng. Không bắt được “bệnh”, nên “thuốc” dư thừa, mà doanh nghiệp vẫn “chết” vì chỉ nhìn thấy hỗ trợ... trên ti vi.
Trong liên tiếp nhiều cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gần đây, các đại biểu đều yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo cụ thể về tác động của Covid-19, cụ thể hơn nữa là tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân “vượt qua vũng lầy” dịch bệnh thời điểm này. Điều đầu tiên các đại biểu đòi hỏi, là “dữ liệu tin cậy”, để có cơ sở ban hành chính sách mà không rơi vào tình trạng “thầy bói xem voi” hay “phúc thống phục nhân sâm”. Phải nhìn thấy thực trạng mới biết được gói hỗ trợ tiếp theo sẽ vào đâu, cho ai, thế nào. Tình trạng cấp tính hiện nay không cho phép thực hiện các chính sách rề rà “không bổ dọc thì bổ ngang”, bởi lực lượng doanh nghiệp chết đi sẽ còn lâu mới có thể quay trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.