Trong trận này, đội Thái Lan chỉ kiểm soát bóng 43% so với Iraq (57%). Số lần sút bóng của họ cũng ít hơn khi chỉ thực hiện 7 pha so với… 23 lần của đối phương. Thế nhưng điều cần nhất của trận đấu là bàn thắng thì Thái Lan có đến 2 lần chọc thủng lưới đối thủ và giữ sạch mành lưới nhà.
Khi bước vào trận đấu, HLV Sritharo của U.23 Thái Lan đã chủ động cho các học trò chơi theo chiến thuật phòng thủ phản công. Tuy nhiên, họ không hề phòng thủ thụ động mà luôn biết cách chuyển hướng tấn công linh hoạt mỗi khi có bóng. Hơn nữa, các cầu thủ U.23 Thái Lan có thể hình quá lý tưởng, đa phần đều cao trên 1,8 m như thủ môn Soponwit Rakyart (1,81 m), các trung vệ Chonnapat Buaphan (1,93 m) và Songwut Kraikruan (1,9 m), hậu vệ phải Waris Choolthong (1,8 m), tiền vệ Erawan Garnier (1,8 m), tiền đạo Guntapon Keereeleang (1,83 m). Chính điều này giúp họ đủ thể lực đeo bám đối phương suốt trận và không hề lép vế trong các pha không chiến khi bị U.23 Iraq dồn ép nghẹt thở để tìm bàn gỡ.
Nên nhớ kể từ thời HLV Kiatisak dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, bóng đá Thái Lan đã lựa chọn và chuyển hẳn sang lối chơi kiểm soát bóng. Không thể phủ nhận rằng lối chơi này đã giúp họ làm mưa làm gió ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, khi ra sân chơi lớn như vòng loại World Cup hoặc Asian Cup, lối chơi kiểm soát bóng của họ không đem lại hiệu quả như mong muốn, bởi trước những đội bóng với dàn cầu thủ có thể hình và trình độ kỹ thuật trội hơn, lối chơi này dễ dàng bị vô hiệu hóa. Sau những thất bại trên, dường như bóng đá Thái Lan đã tìm cách thay đổi lối chơi của mình để tìm kiếm chiến thắng - mục tiêu quan trọng nhất trong bóng đá.
Highlight U.23 Việt Nam 3-1 U.23 Kuwait: Chiến thắng đầu tay | VCK U.23 châu Á 2024
Bóng đá VN dưới thời HLV Park Hang-seo cũng đã gặt hái khá nhiều thành công khi ông chủ động chọn lối chơi phòng thủ phản công, kể cả khi gặp những đối thủ ngang tầm trong khu vực Đông Nam Á. Sở dĩ lối chơi này được xem là thành công vì phù hợp với thể trạng và trình độ kỹ thuật của các cầu thủ VN ở thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi gặp những thất bại liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, lối chơi phòng thủ phản công của HLV Park Hang-seo lại gặp những chỉ trích và khiến nhiều người không hài lòng.
Đến thời kỳ HLV Philippe Troussier, lối chơi kiểm soát bóng được vị HLV người Pháp áp dụng triệt để cho các đội tuyển VN. Tuy nhiên, sau 1 năm cầm quân, lối chơi này khiến U.23 VN thất bại tại SEA Games 32, còn đội tuyển VN nhận liên tục 9/11 trận thua. Những thất bại này trước mắt cho thấy dường như lối chơi kiểm soát bóng chưa phù hợp với các cầu thủ VN hiện nay, vì họ chưa hội tụ đủ các yếu tố như thể lực, thể trạng, kỹ thuật, tư duy chiến thuật… để vận dụng lối chơi này một cách tốt nhất.
Thật ra lối chơi phòng thủ phản công vẫn có những nét đẹp và hiệu quả riêng của nó. Chẳng hạn lối chơi của đội tuyển Ý đều dựa trên nền tảng này và giúp họ từng 4 lần vô địch thế giới và 2 lần vô địch EURO. Chẳng ai có thể chê trách lối chơi phòng thủ phản công của các chàng trai màu áo thiên thanh, khi họ dùng chính vũ khí này đánh bại những đội sử dụng lối chơi kiểm soát bóng như Brazil tại World Cup 1982 để sau đó lên ngôi vô địch thế giới.
Xem Trực tiếp Thể thao đỉnh cao trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/
Bình luận (0)