Không cần thiết phải quy định dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn sở hữu

Thanh Xuân
Thanh Xuân
27/02/2020 18:42 GMT+7

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có 2 kiến nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu.

Giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp

Đối với quy định “Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất”, HoREA cho rằng chưa cần thiết. Bởi thực tế kết quả hoạt động phát hành trái phiếu của 177 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019 đã cho thấy có đến 149 doanh nghiệp, chiếm 84,2%, có giá trị phát hành trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu; chỉ có 28 doanh nghiệp, chiếm 15,8%, có giá trị phát hành trái phiếu trên 3 lần vốn chủ sở hữu. Tổng giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của từng loại hình doanh nghiệp, chẳng hạn doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn điều lệ thấp, hoặc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ… thì có nhu cầu phát hành trái phiếu cao hơn mức 3 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, đối với quy định “Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. Trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản”. HoREA đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt trong 1 năm, vì các doanh nghiệp lớn thường có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn trái phiếu; không cần thiết quy định khoảng cách thời gian tối thiểu 6 tháng giữa 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm.

Số lượng cá nhân đầu tư trái phiếu tăng lên

HoREA nhận thấy sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, nhưng trong quá trình sửa đổi cần quan tâm đầy đủ các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản. Thị trường vốn của nước ta chưa phát triển đầy đủ, chưa có các nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở bị vướng mắc nên bị mất rất nhiều thời gian, dẫn đến doanh nghiệp bị đọng vốn trong nhiều năm (hầu hết dự án mất không dưới 05 năm mới được huy động vốn), trong khi phải chịu nhiều chi phí duy trì hoạt động.
Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1.2.2019 có độ mở cao, đã tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh trong năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong năm 2020. Trong năm 2019, đã có hơn 210 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với hơn 900 lượt phát hành, với tổng giá trị phát hành gần 297.000 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2018. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 10,93% GDP. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phát hành 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38%; kỳ hạn bình quân 3,7 năm; lãi suất bình quân 10,3%/năm, nhưng cũng có một số doanh nghiệp có lãi suất 12 - 14%/năm. Riêng Công ty H.H có lãi suất trái phiếu 20%/năm chỉ là trường hợp cá biệt. Tỷ lệ phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp bất động sản đạt 88,1%, thấp hơn tỷ lệ của nhóm ngân hàng (98,2%), phát triển hạ tầng (99,5%), năng lượng (99,2%). Tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu bất động sản là cá nhân chiếm 10,7%.
Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 1.2020 là 13.374 tỉ đồng, trong đó, doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỉ đồng, chiếm đến 55%. Đáng lưu ý là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%. Đây là xu thế, tín hiệu đáng mừng huy động thêm được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong xã hội tham gia đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm. Tuy nhiên không phải đợt phát hành trái phiếu lãi suất cao nào nhà đầu tư cũng tham gia. Qua trường hợp Công ty bất động sản S.B chào bán 150 tỉ đồng trái phiếu 24 tháng có lãi suất 18%/năm, nhưng không có nhà đầu tư mua, cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu cũng đã thể hiện năng lực và trình độ đánh giá, lựa chọn danh mục đầu tư khả thi để tránh rủi ro.
Một số quan ngại theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp, chiếm 15,8% có giá trị trái phiếu phát hành vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, đáng lưu ý là có đến 11 doanh nghiệp vượt 50 lần (chiếm tỷ lệ 6,2%); có 6 doanh nghiệp vượt 100 lần (chiếm tỷ lệ 3,38%) vốn chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp bất động sản có lãi suất trái phiếu lên đến 12 - 14%/năm, cao hơn mức lãi suất trái phiếu bình quân, cá biệt có doanh nghiệp có lãi suất trái phiếu ở mức tối đa là 20%/năm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.