Việc đóng cửa 2 đường cất hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài để sửa chữa không chỉ gây phiền phức, thiệt hại cho khách hàng, doanh nghiệp, nền kinh tế mà còn cho thấy sự tính toán bất hợp lý về thời điểm tiến hành của các cơ quan liên quan trong việc này.
Cả tuần nay, kể từ khi 2 sân bay lớn nhất nước đóng cửa 2 đường băng để sửa chữa, hàng ngàn khách hàng mệt mỏi, khổ sở vì phải chờ đợi ở nhà ga. Thời gian bay trung bình (tính cả thời gian chờ) gần như tăng gấp đôi, thậm chí dài hơn cho chặng bay từ TP.HCM - Hà Nội và ngược lại.
Cảnh máy bay ùn trên trời, dưới đất được tái hiện ngay dịp thấp điểm, nhưng thậm chí còn nghiêm trọng hơn dịp cao điểm lễ, tết. Đáng nói, tình trạng này xảy ra ngay giai đoạn ngành du lịch đang tổng lực kích cầu. Có thể nói, chưa bao giờ giá tour, giá khách sạn, giá vé máy bay, giá dịch vụ... rẻ như hiện nay. Cũng chưa bao giờ mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị du lịch chặt chẽ như hiện nay. Bởi “kích” được nhu cầu đi lại của người dân trong lúc này với nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề là việc sống còn.
Thế nhưng niềm vui chưa kịp nhen lên, nỗi lo lắng lại đè nặng khi đi máy bay đang trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người vì cảnh “delay” bất tận như nói trên. Phải nói rõ là, không chỉ 2 sân bay lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, mà hầu hết các sân bay trên cả nước đều bị ảnh hưởng vì việc sửa chữa 2 đường băng này.
Đáng nói là việc này, nếu làm đúng quy trình, thậm chí ngay cả “nước đến chân mới nhảy” thì cũng không đến nỗi như hiện nay. Một chuyên gia trong ngành hàng không cho biết thông thường sân bay luôn có kế hoạch bảo tu định kỳ chứ không phải khi phát hiện hư hỏng, xuống cấp thì mới tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Nếu thực hiện đúng quy trình này, việc sửa chữa cũng diễn ra nhanh chóng và đơn giản, không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động khai thác của sân bay.
Thế nhưng, ở 2 đường băng trên, việc sửa chữa đã đặt ra từ năm 2017. Trong suốt mấy năm qua, từ cơ quan quản lý cho tới các chuyên gia đều lên tiếng cảnh báo, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay. Thế nhưng, vì lý do này, lý do kia, việc sửa chữa vẫn không được tiến hành.
Đến giai đoạn nửa năm vừa rồi do dịch Covid-19, hàng không gần như đóng băng. Đây là cơ hội lớn để đẩy nhanh thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa 2 đường băng mà không ảnh hưởng đến nhu cầu khai thác. Thế nhưng ngay cả “nước đến chân” cũng chẳng thấy rục rịch gì. Rồi đợi đúng khi nhu cầu tăng trở lại, đến khi cả nước kích cầu du lịch thì đùng một cái, đóng cửa 2 đường cất hạ cánh ở 2 sân bay lớn nhất cả nước để nâng cấp, sửa chữa. Các hãng hàng không, công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch... chỉ còn biết thở dài ngao ngán.
Cục Hàng không nói việc đóng cửa 2 đường cất hạ cánh “không ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác”, nhưng thực tế nếu nhìn trên tổng thể cả nền kinh tế, đặc biệt là công cuộc kích cầu du lịch mà chúng ta đang thực hiện thì thiệt hại cả định lượng và định tính từ việc này là không hề nhỏ.
Bình luận (0)