Không đạt giải học sinh giỏi quốc gia, liệu còn 'vé thông hành' vào trường xịn?

24/06/2022 09:15 GMT+7

Thất vọng, không đủ vững chí cho kỳ thi tốt nghiệp THPT là tâm thế của những học sinh lớp 12 từng 'trắng tay' trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Trong thời điểm các trường đại học (ĐH) hàng đầu đang rục rịch xét tuyển, thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia có ưu thế hơn hẳn. Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH, còn giải khuyến khích được ưu tiên xét tuyển. Do đó, việc vụt mất cơ hội trong kỳ thi HSG có thể để lại “vết hằn” tâm lý với những học sinh (HS) đặt nhiều kỳ vọng vào thành tựu.

Học sinh nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cú sốc từ việc đánh cược

Trước khi bước vào kỳ thi HSG quốc gia môn địa lý năm học 2018 - 2019, Nguyễn Minh Khoa (sinh năm 2001, cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP.Vũng Tàu) từng gặt hái những thành tích ấn tượng như: giải nhất kỳ thi HSG cấp tỉnh môn địa lý lớp 11, huy chương vàng kỳ thi Olympic 30/4 môn địa lý năm 2018.

Những “quả ngọt” trên vừa là động lực vừa là áp lực khiến Khoa trăn trở về việc làm thế nào để chạm đến đỉnh cao. Theo lời kể, Khoa chưa bao giờ hài lòng về những gì mình đã tích lũy và luôn nghĩ rằng mọi người kỳ vọng rất nhiều vào bản thân. Thậm chí, nam sinh này đặt mục tiêu phải đạt giải nhất.

Do đó, ngoài việc dành 7-8 giờ/ngày ôn luyện trong đội tuyển thi HSG quốc gia, khi về nhà, Khoa vùi đầu vào sách vở. “Trong suốt quá trình ôn thi, mình chỉ ngủ 3-4 giờ/ngày, ít tham gia vào những buổi sinh hoạt của gia đình và số lần vui chơi giải trí thì đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng, mình còn thấy sợ hãi mỗi khi thầy cô chữa bài làm”, nam sinh chia sẻ.

Nhớ lại ngày nhận tin “trắng tay” trong kỳ thi HSG, Khoa kể: “Lúc đó, mình cảm thấy rất thất vọng, rơi vào bế tắc, giống như bị mọi cảm xúc tiêu cực nuốt chửng. Tâm trạng buồn bã, thiếu động lực học cộng với việc vắng mặt một thời gian dài trong các tiết học ở lớp khiến mình khó khăn trong việc bù đắp kiến thức phục vụ cho kỳ thi THPT. Mình còn trở nên tự ti hơn khi không đạt số điểm như ý trong các kỳ thi thử THPT do trường tổ chức”.

Nguyễn Minh Khoa, cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP.Vũng Tàu (thứ 2 từ trái sang)

NVCC

Tương tự, Trần Hải Anh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình, chia sẻ việc đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia môn văn năm học 2021-2022 không chỉ mang đến cơ hội dễ dàng xét tuyển vào ĐH, mà còn là nền tảng theo đuổi nghề viết lách sau này.

Tuy nhiên, Hải Anh sụp đổ hoàn toàn khi nhận kết quả mình thi trượt trong kỳ thi HSG hồi tháng 3. Nói về những thứ phải đánh đổi trong quá trình ôn luyện HSG, Hải Anh khẳng định khả năng học hỏi, tiếp thu các môn học khác, nhất là môn toán đã hao hụt. Chưa kể, khi kỳ thi HSG sát nút, hai người trong gia đình nữ sinh này là em gái và ông nội lại nhiễm Covid-19. “Em phải cách ly với mọi người trong đội tuyển khi ôn thi”, Hải Anh chia sẻ.

Trần Hải Anh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình

nvcc

Trong khi đó, một số sĩ tử dù trượt kỳ thi HSG nhưng xem việc ôn tập tốt cho kỳ thi THPT là nòng cốt thì cho rằng vẫn có thể thi vào trường ĐH theo đúng nguyện vọng của mình.

Chẳng hạn, Nguyễn Phúc Duyệt, HS lớp 12 Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết mình không rơi vào tình trạng như trên vì xem kỳ thi HSG quốc gia hồi tháng 3 là cơ hội để sống với đam mê, không đặt nặng suy nghĩ giải thưởng sẽ giúp bản thân dễ xét tuyển vào ĐH. “Em nghĩ bản thân được nhiều hơn mất vì phần thưởng lớn nhất là tình yêu thương và sự công nhận của những người xung quanh. Trải nghiệm tuyệt vời này đã giúp em thêm vững vàng để chiến đấu cho kỳ thi THPT đang gần kề”, Duyệt bày tỏ.

“Năng suất độc hại”

Từ các trường hợp kể trên, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho hay việc đặt kỳ vọng vượt quá năng lực học tập của bản thân sẽ tạo ra áp lực lớn, từ đó có thể làm giảm hiệu quả việc học.

Đồng thời, theo thạc sĩ Vui, trường hợp của Nguyễn Minh Khoa còn là biểu hiện của “năng suất độc hại”. “Khi tập trung toàn lực vào một việc gì đó không ngưng nghỉ, kết quả có thể sẽ mỹ mãn nhưng đổi lại cơ thể sẽ bị rút cạn năng lượng, đồng thời còn làm tắc nghẽn một số quá trình mà não nhận diện là không cần thiết như tiêu hóa, sinh sản, hệ miễn dịch…”, thạc sĩ Vui lý giải.

Ví trạng thái “năng suất độc hại” như việc người ta chỉ quan tâm đến độ “nhanh” mà bỏ qua độ “bền”, thạc sĩ Vui khẳng định điều này có thể dẫn đến hậu quả như: cơ thể mất cân đối, suy giảm trí nhớ, dễ nổi cáu và dễ vụn vỡ tâm lý khi gặp khó khăn. Vì vậy, “năng suất độc hại” ảnh hưởng không nhỏ đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, theo cô Vui.

Nên thực tế trong việc đặt mục tiêu

Từ đó, cô Vui lưu ý: “Để chấp nhận thất bại, chúng ta cần hiểu rõ bản thân để hết sức thực tế trong việc đặt mục tiêu, đồng thời cần hình dung trước tình huống không may có thể xảy ra. Đôi khi, bài học về thất bại có thể đáng giá hơn sự chiến thắng. Nghĩ vậy, mọi biến cố sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Về phía gia đình, thạc sĩ Vui cũng nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc quan tâm, trò chuyện với con cái để hiểu được tính cách, năng lực học tập, khả năng chịu áp lực của con. “Điều này sẽ giúp phụ huynh biết cách nâng đỡ con bằng những hành động cụ thể. Những hành động đó sẽ khiến con thấy rằng mình được chấp nhận và yêu thương dù kết quả ra sao đi nữa. Điều này còn tiếp thêm động lực cho HS trong kỳ thi THPT sắp tới”, thạc sĩ Vui nhắn nhủ.

Còn về phía nhà trường, cô Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên bộ môn văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TP.Vũng Tàu, nhận định: “Thi trượt trong kỳ thi HSG quốc gia là thực tiễn luôn tồn tại nên đương nhiên nhà trường lẫn giáo viên luôn có kế hoạch bài bản để hỗ trợ HS trên hai phương diện: tâm lý và kiến thức. Tùy đơn vị giáo dục mà các hình thức được triển khai linh hoạt và phù hợp với từng cá thể HS”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.