Sáng 6.1, tại phiên họp 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12.2024. Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau khi Nghị định 168 năm 2024 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ) có hiệu lực từ 1.1.2025 ý thức của người dân tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Phương đề nghị Bộ Công an cần phối hợp các cấp, ngành kiểm tra điều kiện kỹ thuật của hệ thống đèn tín hiệu, không để người dân bị oan. "Đây là nội dung được các đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm", ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chia sẻ, Nghị định 168/2024 chỉ sau 1 ngày triển khai thực hiện đã thấy ý thức chấp hành quy định của người dân khi tham gia giao thông thay đổi.
Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, nhiều người dân phản ánh hệ thống tín hiệu giao thông có chỗ hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định, vẫn trục trặc kỹ thuật. "Đề nghị cơ quan chức năng liên quan sớm xử lý để có cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm quy định", ông Thanh nêu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cùng với việc triển khai các quy định mới cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân. Chủ tịch Quốc hội nói "cảm giác" việc tuyên truyền các luật, nghị định, thông tư mới có hiệu lực chưa sâu, chưa thấm vào người dân.
"Đề nghị Chính phủ việc triển khai thực hiện luật thì kiên quyết dứt khoát, nhưng phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu. Luật đúng, nghị định đúng, chủ trương đúng, nhưng thực hiện cũng còn hai mặt, ban đầu còn việc này việc nọ phải tiếp tục chấn chỉnh", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Dẫn ví dụ việc triển khai Nghị định 168/2024, Chủ tịch Quốc hội cho hay, người dân phản ánh bước đầu các ngã ba, ngã tư có ùn tắc. "Người dân có quay clip gửi cho tôi", Chủ tịch Quốc hội nói, đề nghị các góp ý này cần được tiếp thu, đồng thời cũng cần đấu tranh với các luận điệu xuyên tác, gây chia rẽ.
Vượt đèn đỏ không còn nhiều
Báo cáo thêm tại phiên họp, thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết về an toàn giao thông, Bộ Công an đã chủ động và giải quyết tốt. Đối với các ý kiến được thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu về xử phạt trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, Thứ trưởng Bộ Công an nói xin tiếp thu.
Kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ Công an trong việc triển khai Nghị định 168/2024. Việc triển khai các quy định mới có hiệu ứng rất tốt. "Ý thức người dân khi tham gia giao thông khác hẳn. Thanh niên uống rượu không dám đi xe nữa, vượt đèn đỏ không còn nhiều", ông Phương nêu.
Nghị định 168: Vượt đèn đỏ nhường đường xe ưu tiên có bị CSGT phạt nguội?
Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ 1.1, nâng mức phạt tiền hàng loạt hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ lên nhiều lần.
Theo đó, đối với ô tô, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức phạt trước đây theo Nghị định 100/2019 là 4 - 6 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Đối với xe máy, hành vi này bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng (mức phạt trước đây là từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Thực tế thời gian qua xảy ra các tình huống đèn giao thông bị lỗi như: đếm hết giây mà đèn đỏ vẫn không chuyển màu, "bất thình lình" chuyển màu từ xanh sang đỏ (hoặc vàng)…
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết, phần lớn nút giao thông hiện nay đã được trang bị hệ thống camera giám sát. Người dân cũng có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa hành chính nếu cho rằng việc lập biên bản không thỏa đáng.
Riêng với tín hiệu đèn vàng, tài xế phải dừng trước vạch khi đèn chuyển tới pha màu vàng. "Trường hợp đã đi qua vạch dừng thì vẫn được phép đi tiếp", đại diện C08 thông tin.
Bình luận (0)