Không được chần chừ trong triển khai dự án trọng điểm

28/11/2022 06:05 GMT+7

Chiều 27.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với TP.HCM về tình hình giải ngân đầu tư công và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Báo cáo đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó kinh tế tăng trưởng hơn 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỉ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỉ USD, thu ngân sách ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt trên 118% dự toán giao. Về đầu tư công, theo ông Phan Văn Mãi, đến hết ngày 25.11, TP.HCM giải ngân hơn 12.600 tỉ đồng (đạt 34%), dự kiến cả năm giải ngân được 86%.

Ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn đề cập tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, dự báo có thể kéo dài; tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ còn diễn biến phức tạp; doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng những tháng gần đây khiến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, sáng 27.11

TTXVN

Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Đồng thời xem xét nới room tín dụng thêm 2%, cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho DN phát hành trái phiếu để thanh toán kỳ hạn ngắn, sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu DN như một số nước đang làm...

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực của TP.HCM, nhấn mạnh những đóng góp của TP đối với cả nước đã truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Thủ tướng chia sẻ khó khăn của TP liên quan một số việc ở lĩnh vực bất động sản, trái phiếu DN, chứng khoán, đồng thời nhận định có vụ việc đã tích lũy nhiều năm và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

“Dứt khoát là không bàn nữa, chỉ làm thôi”

Trao đổi thêm về lĩnh vực trái phiếu, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thanh kiểm tra phát hành trái phiếu, không để ngân hàng tự do cùng nhà đầu tư, trái chủ phát hành một cách không kiểm soát. “Phải thanh tra, kiểm tra để phát hiện vấn đề, khi có vấn đề không bình thường là phải can thiệp bằng công cụ nhà nước. Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề đều do không kiểm soát được việc phát hành”, Thủ tướng nhận định và nêu 2 cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, 2 cơ quan này phải kiểm tra hoạt động xem dòng tiền có đi lành mạnh, có đi đúng chủ trương hay không cũng như thiết kế công cụ để kiểm soát hiệu quả.

“Ai làm sai thì phải xử lý, ai làm tốt thì bảo vệ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, DN”, Thủ tướng khẳng định và cho biết thêm Chính phủ đã lập 3 tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của 3 lĩnh vực: ngân hàng, trái phiếu, bất động sản.

Với một siêu đô thị như TP.HCM, Thủ tướng chia sẻ còn nhiều việc để làm nhưng TP cần chọn việc quan trọng để làm trước, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, đồng thời khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng tháo gỡ vướng mắc.

Khi đề cập thực trạng hợp tác các bên liên quan chưa được thông suốt, dẫn đến chậm trễ tiến độ dự án đầu tư công, Thủ tướng nói: “Đã 3 hội nghị và mấy cuộc họp rồi mà cứ lòng vòng. Tôi không biết hợp tác như thế nào, dứt khoát là không bàn nữa, chỉ làm thôi”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ TP.HCM triển khai 5 dự án trọng điểm đúng tiến độ, tinh thần chung là không chần chừ gì nữa. Cụ thể, xử lý các vấn đề còn lại của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); giải quyết vướng mắc về thủ tục vay vốn của tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); Vành đai 3; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).

Người dân muốn thấy sự lăn xả như lúc chống dịch

Trao đổi tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ trong lúc khó khăn người dân muốn thấy hệ thống chính trị bật dậy, xông tới, lăn xả như lúc chống dịch, nhưng thực tế vẫn có sự e ngại, chần chừ, lo sợ của không ít cán bộ.

Hiện Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 để khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhưng vẫn còn chừng mực vì thiếu cơ chế bảo vệ.

“Chúng ta xin cơ chế thí điểm để được quyền dám làm, để yên tâm làm, không phải nơm nớp lo như một bộ phận hiện nay”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói và bày tỏ TP.HCM rất mong có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Đơn cử như luật Đất đai sửa đổi đến năm 2024 mới có hiệu lực, và nếu ngồi chờ thì không còn thời gian, bỏ lỡ cơ hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.