Ngày 26.11, tại Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm |
Nguyễn Long |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển; đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm đứng đầu cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng nhanh; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.
Tàu container cập cảng Tân Cảng Cái Mép tại Bà Rịa-Vũng Tàu |
Nguyễn Long |
Ngoài ra, Đông Nam bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.
Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
“Tuy nhiên, vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị |
nguyễn long |
Thủ tướng dẫn chứng tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng; khoa học - công nghệ chưa đóng góp nhiều vào mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố KCX - KCN chưa hợp lý. Tình trạng quá tải ở các trường học, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh chậm được khắc phục; phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCX - KCN chưa đáp ứng yêu cầu...
Liên kết vùng chưa hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ; một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đánh giá Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. “Từ những lợi thế hiện có, tôi đề nghị phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới liên kết vùng dựa trên cơ sở xây dựng cơ chế và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả; giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN và thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Vùng động lực tăng trưởng lớn nhất nước
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Trong đó lấy TP.HCM làm hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Cam kết cùng hành động
Tại hội nghị, lãnh đạo Bình Dương kiến nghị T.Ư sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động. Xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, TP.HCM cam kết tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế.
Còn Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng cầu thay phà Cát Lái; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm đảm bảo lưu thông khi sân bay Long Thành hoạt động; hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ…
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng mong muốn trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với T.Ư và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM...
Bình luận (0)