Không được để học sinh bất ngờ, suy nhược thần kinh vì ôn thi THPT quốc gia

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/03/2019 20:38 GMT+7

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, người đứng đầu Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), đã nhấn mạnh với các giáo viên: Không để học sinh ôn thi THPT quốc gia căng thẳng đến mức suy kiệt sức khỏe, mà giờ học nào cũng phải có tiếng cười.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) vừa tổ chức hội thảo chuẩn bị cho công tác ôn tập giai đoạn “nước rút” cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

“Sĩ tử” lo nhất và mong nhất điều gì?

Hội thảo được mở đầu bằng chính những tâm sự của các “sĩ tử”, những học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm khi đối diện với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Em Đoàn Thanh Trang, lớp 12D6, cho rằng việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp với điểm thi được tính 70% thay vì 50% như trước đã tác động đáng kể đến học sinh khiến các em lo lắng và hồi hộp.
Học sinh Nguyễn Hà Vy, lớp 12 chuyên Anh 1, thì chia sẻ rằng thấy có áp lực nhất định vì phải học thêm, luyện đề để bổ sung kiến thức. Em Tạ Bình Minh, lớp 12A, thì băn khoăn không biết độ khó và cấu trúc của đề thi thật có giống đề thi minh hoạ hay không. “Mong Bộ GD-ĐT không thay đổi độ khó của đề thi thật so với đề minh hoạ”, em Minh đề xuất.
Em Đỗ Hà Chi, lớp 12D0, bày tỏ: “Bộ GD-ĐT công bố phần lớn nội dung thi là kiến thức lớp 12 nhưng kể cả có một phần nhỏ ở lớp 10, 11 thì bọn con không bỏ qua được phần nào nên sẽ phải học lượng kiến thức rất rộng. Trên lớp, một số thầy cô giáo dạy hơi nhanh nên học sinh khó theo kịp. Mong các thầy cô giảng chậm lại”.
Hầu hết các học sinh đều bày tỏ mong muốn các thầy cô sẽ là những người tạo ra không khí học tập thoải mái, không quá đặt nặng về kết quả, thành tích. Mong các thầy cô sẽ tận tâm tới từng học sinh để các em không bị áp lực mà không biết giải toả thế nào…
Học sinh chia sẻ mong muốn về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới Ảnh T.N
Cô Bích Liên, Tổ trưởng tổ Tâm lý (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho biết kết quả khảo sát được thực hiện trên 304 học sinh lớp 12 thông qua hình thức khảo sát online cho thấy rất nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, thậm chí hoang mang về kỳ thi THPT quốc gia.
Vậy, đứng trước tâm trạng hoang mang lo lắng này thì học sinh đã chuẩn bị những gì? 73,2% học sinh ôn tập kiến thức theo định hướng của thầy cô; 59,2% học sinh tập trung học chắc kiến thức lớp 12 và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm (chiếm 49,5%).
Theo cô Bích Liên, có thể thấy sự chuẩn bị này của học sinh cũng là kết quả của một quá trình thầy cô giáo đồng hành cùng các con. Cụ thể, 70,4% học sinh cảm nhận được các thầy cô đang hướng dẫn cách ôn tập một cách cô đọng, hệ thống lại kiến thức; 58,5% học sinh cảm nhận được việc thầy cô đang chú trọng hướng dẫn phương pháp làm bài thi. Ngoài ra, học sinh còn cảm thấy các thầy cô chăm lo đến mình hơn khi lên lớp 12.
Đối với học sinh lớp 12 trong thời điểm hiện tại, đâu là phương pháp học để chuẩn bị thi THPT quốc gia mà các con cho là hiệu quả? Cô Bích Liên cho hay, kết quả khảo sát đem lại những câu trả lời rất cơ bản như: tự học, ôn chắc kiến thức cơ bản, làm nhiều dạng đề trắc nghiệm… là những lựa chọn được phần lớn học sinh  đưa ra.

Tự tin nhất với môn giáo dục công dân

Khi được hỏi môn thi nào là môn thi các con tự tin hay lo lắng nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, kết quả cho thấy môn Giáo dục công dân được nhiều học sinh lựa chọn là môn thi tự tin nhất. Khi phỏng vấn sâu học sinh, các em cho biết đây là môn thi thường các câu hỏi là giải quyết tình huống, ứng dụng thực tế nhiều nên cảm thấy ít bị áp lực.
Còn môn học sinh lo lắng nhất là tiếng Anh (chiếm 58%) và toán (chiếm 54%) vì môn toán khối lượng kiến thức nhiều, cách ra đề đa dạng, còn môn tiếng Anh khiến các em lo lắng vốn từ vựng ít nên e dè bài đọc.
Một con số đáng lưu ý là chỉ có 28% học sinh hiện có thể ôn tập kỹ nhiều lần các môn thi. “Vậy, 72% còn lại các con đang cảm thấy thế nào trước khối lượng kiến thức và khoảng thời gian còn lại, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn “đếm ngược” đến kỳ thi này”, cô Bích Liên nói.

Không để học sinh nào bị “bỏ quên”

Nhà giáo Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, khẳng định với công bố chính thức của Bộ GD-ĐT trong Quy chế thi THPT quốc gia vừa ban hành, đề thi đã được chuyển hướng tích cực. “Năm nay, chúng ta không còn lo về đề thi, hãy tập trung 99% sức lực để ôn tập theo nội dung chương trình lớp 12” , thầy Hoà nhắn nhủ.
Thầy Nguyễn Văn Hoà nhấn mạnh tới việc không để học sinh quá căng thẳng, ôn thi đến suy nhược thần kinh Ảnh T.N
Về vấn đề thay đổi cách tính điểm, nâng tỷ lệ kết quả thi THPT quốc gia lên 70% để xét tốt nghiệp THPT, ông Hoà cũng cho rằng, điều đó không đáng lo. "Khoảng 10 năm nay, tôi chỉ thấy học sinh trượt tốt nghiệp vì điểm liệt chứ không lo vấn đề cộng điểm. Do vậy, mỗi thầy cô phải có phương pháp “chống liệt” với những học sinh có nguy cơ cao ”, thầy Hoà nói.
Tuy nhiên, điều mà nhà giáo Hoà đặc biệt nhấn mạnh với các thầy cô và học sinh của trường mình trong buổi hội thảo không phải kết quả thi hay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, đại học…, mà là việc các thầy cô phải tạo tâm lý học và thi tốt nhất cho học sinh.
Thầy Hoà yêu cầu, thầy cô phải hiểu từng học sinh, không để học sinh nào bị bỏ quên, bị bất ngờ vì kỳ thi này. Bất ngờ là gì? Có thể lấy ví dụ, một học sinh bình thường là học sinh khá, điểm số cao đến lúc thi lại bị trượt tốt nghiệp. Đó là bất ngờ. Học sinh bị bất ngờ về tâm lý phòng thi do không được chuẩn bị trước đó, dẫn tới căng thẳng và làm bài không tốt. “Năm ngoái có trường hợp học sinh như vậy”, thầy Hoà nói và đề nghị giáo viên không để và không bắt học sinh học quá sức. Với những học sinh có biểu hiện tâm lý quá căng thẳng thì phải động viên, giảm bớt áp lực cho các con.
Thầy Hoà nêu dẫn chứng, cách đây 15 năm, ở chính trường mình, có học sinh trước kỳ thi quan trọng này đã suy nhược thần kinh, kiệt quệ sức khoẻ vì ôn thi quá nhiều phải nhập viện và sau đó đặc cách tốt nghiệp sau khi có chứng nhận của bệnh viện. “Đừng thầy cô giáo nào để tình trạng này xảy ra với học sinh của mình”, thầy Hoà yêu cầu.
Từ những dẫn chứng cụ thể, thầy Hoà yêu cầu: “Giáo viên phải có những cái…. “cù” trong giờ lên lớp, tạo ra không khí vui vẻ, giờ học nào cũng có tiếng cười, cô giáo không cau có, không bắt học sinh nào cũng phải răm rắp một kiểu giống nhau. Tôi không đánh giá học sinh ồn ào là kém. Điều quan trọng là học tập trọng tâm, không dàn trải, không lo lắng đến kiệt sức vì điểm số, thành tích trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.