Đài ABC News cho rằng Hà Nội tổng hòa hương vị thức ăn ngon, pha trộn các quan điểm từ nhiều tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau, cùng phong vị lịch sử và di sản từ quá khứ. Đó là nơi hiện tồn chuẩn mực văn hóa, nét bình dị của người Hà Nội từ quán cà phê đến hàng ăn vỉa hè.
Nhớ về lần đầu đến Hà Nội, GS-TS người Úc William Logan - Giáo sư danh dự Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS - cơ quan tư vấn về di sản văn hóa của UNESCO), tác giả cuốn Hanoi - Biography of a City (tựa Việt: Hà Nội - tiểu sử một đô thị, năm 2000), cho biết ông rất ấn tượng với phong cách kiến trúc ở thủ đô.
Ký ức Hà Nội từ những ngôi nhà cũ
Giáo sư William Logan nói với ABC News: “Trong lớp áo hiện tại, bóng dáng quá khứ ẩn hiện và để hiểu Hà Nội bây giờ, chúng ta phải hiểu quá khứ của thành phố”. Với giáo sư William Logan, Hà Nội hiện ra với rất nhiều hình ảnh gần gũi, đầy thú vị trong câu chuyện về việc trùng tu Ô Quan Chưởng qua các thời kỳ, về tác giả thiết kế cầu Long Biên, về Hà Nội 36 phố phường với lối cấu trúc nhà ống, mái ngói nghiêng cùng mặt tiền là các cửa hiệu chuyên để kinh doanh buôn bán…
|
|
Giáo sư William Logan cho biết thêm khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa vào những năm 1990, nhiều người dân Hà Nội đã biến cửa hàng trong khu phố cổ thành khách sạn nhiều tầng. Tuy nhiên, giáo sư khẳng định: “Khu phố cổ là một trong những nét đẹp của thành phố. Những con phố nghề thuộc 36 phố phường tại Hà Nội hàng trăm năm vẫn không thay đổi với phố Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Mã…”. Giáo sư William Logan cũng ấn tượng với cung Hữu nghị Việt - Xô trong khu phố Pháp. Ông cho rằng đó là tòa nhà phong cách kiến trúc Xô viết nhưng vẫn mang hơi hướng châu Á. Trong khi với nhà báo Michael Tatarski - phóng viên Telegraph, hồ Hoàn Kiếm là nơi thực sự độc đáo, không tìm được tại địa phương nào khác của Việt Nam.
Giáo sư William Logan không quên lưu ý: “Ở Hà Nội, cũng như các đô thị khác của Việt Nam, điều thiết yếu là nhu cầu hiện đại hóa cần được thừa nhận. Cần phải tạo nên một sự cân bằng giữa việc duy trì những mối liên hệ với quá khứ và việc mở đường cho một tương lai xán lạn hơn”.
|
Nhắc đến văn hóa ẩm thực Hà Nội, ABC News gợi ý rằng hãy tận hưởng cảm giác ngồi trên chiếc ghế nhựa con con nơi ngõ nhỏ, vỉa hè Hà Nội và thưởng thức các món ăn đường phố ngon khó cưỡng. Lee Tran Lam – cây bút viết về ẩm thực ở Sydney (Úc), đề xuất bánh cuốn, mà cô mô tả với độc giả nước Úc rằng đó là bánh tráng mềm mịn cuộn nhân thịt heo băm và mộc nhĩ. Lee Tran Lam nói: “Đó có thể là một món ăn sáng hay coi như món ăn vặt khi lang thang khắp ngõ ngách Hà Nội”.
|
Món tiếp theo Lee Tran Lam giới thiệu là bún riêu với vị ngon đậm đà của cua đồng giã bằng tay. Nói đến ẩm thực Hà Nội không thể không nhắc đến phở với nước dùng trong, không ăn với giá mà chỉ có rau mùi bỏ vào cho thơm vị. Khi đi dạo dọc theo những con đường nhộn nhịp, thời tiết nắng nóng gay gắt giữa thủ đô, Lee Tran Lam khuyên nên thử uống nước mía. Còn đài SBS thì giới thiệu chả cá Lã Vọng, món ăn từng được chuyên mục du lịch của hãng tin MSNBC (Mỹ) nhắc đến khi đưa ra danh sách 10 nơi nên biết trước khi chết nhiều năm trước.
Bình luận (0)