Qua nay, trong dòng người du Xuân mới ở Thủ đô Hà Nội, tôi thấy cảnh một số không ít người dân 'nhét' tiền công đức vào tay tượng Phật, ném xuống Hồ nước rêu xanh mà lòng thấy đau xót. Đau xót bởi thứ văn hóa kỳ lạ và tưởng rất đỗi xa lạ kia chỉ thi thoảng xuất hiện ở đâu đó chứ không thể ở mảnh đất Thăng Long thiêng liêng có cả nghìn năm này!
Người dân đặt tiền ở bất cứ nơi đâu có thể đặt được tại các đền, chùa - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tôi không phải là người Hà Nội gốc, cho dù mẹ tôi gần 70 năm trước cũng đã có thời gian dài sống trên phố cổ, rồi bà lấy chồng và thoát ly gia đình...
Mẹ tôi thường kể rằng, hồi trước ngày Giải phóng Thủ đô 1954, người Hà Nội có lối sống rất văn hóa. Cách cư xử giữa người với người khác bây giờ nhiều lắm. Điều này cũng hoàn toàn giống với người dân Sài Gòn trước năm 1975. Thưa, gửi rất rõ ràng. Trẻ em thấy khách đến nhà đều khoanh tay trước ngực rồi cúi chào rất lễ phép. Thế rồi không hiểu sao, sau một vài chục năm, lối ứng xử rất văn minh này của trẻ nhỏ mất dần lúc nào không hay.
Nếu ở TP.HCM hiện cũng còn không ít gia đình giữ được nếp sống đáng trân trọng này thì ở Hà Nội, rất tiếc, nó gần như mất hút. Rất khó tìm thấy.
Ngay từ sau giải phóng 1954 ở miền Bắc, tôi được biết đã có những cách nghĩ rất lệch lạc, cho rằng cách dạy trẻ khoanh tay cúi chào khách là "lối sống tiểu tư sản", cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Điều đáng tiếc là các cơ quan làm văn hóa của chúng ta lại không tỏ thái độ gì, cũng không tham mưu giúp Nhà nước xử trí thế nào trước trước quan điểm này (?). Chiến tranh và biết bao điều cần lo toan khác trong từng ấy năm đã lấn át tất cả những chuyện văn hóa ứng xử tưởng là rất nhỏ ấy, chẳng mấy ai để ý. Lâu dần, nó hình thành một nếp sống khác trong phương pháp giáo dục lớp trẻ.
Rất đáng buồn là cũng có nhiều người nuối tiếc lối sống đó, mong thấy nó quay lại. Song, để dạy cho con cháu mình trong mỗi gia đình thì lại xao lãng và có vẻ xem đó không phải việc của mỗi nhà, mà là việc của... nhà trường, của xã hội? Thậm chí, mỗi khi thấy "hiện tượng quý hiếm" như thế xuất hiện ở đâu đó, cũng tỏ ra khen thầm, nhưng lại không tiếp thu cho chính gia đình mình. Để rồi, chính những đứa trẻ được dạy bảo theo nếp cũ đó cũng tự thấy mình như lạc lõng với xung quanh và không dám làm thế nữa.
Từ nếp sống "lời chào cao hơn mâm cỗ " vốn dĩ đã hình thành và duy trì rất đẹp, nay bị xem nhẹ, nó tiếp tục lan ra với những lối sống thiếu văn hóa như tôi vừa nêu. Vào một nơi linh thiêng như lăng tẩm, đền, chùa..., họ vô tư nhét tiền vào tay Phật, Thánh như của bố thí với mục đích "công đức", nhưng cách làm của họ thì thật đáng buồn.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định không in tiền lẻ vào dịp tết năm nay nhằm tránh tình trạng lãng phí. Việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ để đi lễ đầu năm cũng là quan điểm rất sai lầm. Công đức là việc phát tâm từ bản thân chúng ta, không phân biệt nhiều hay ít. Việc in ra quá nhiều tiền lẻ dẫn đến người đi lễ vứt tiền bừa bãi trên ban thờ, có người còn nhét vào tay, cài tiền lên thân tượng vô cùng phản cảm và thiếu văn hóa".
"Dúi" cả tiền lẻ vào tay và... nách tượng - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đã khuyên mọi người chúng ta: "Nói cho cùng, đi lễ là đến với giáo lý của đức Phật, tâm hướng về Phật, thế là đủ. Tâm xuất thì Phật biết. Bởi thế, chúng ta không cần đặt tiền trước mặt đức Phật thì các ngài mới biết. Đã là người phật tử chân chính, chúng ta phải loại bỏ quan niệm sai lầm rằng cứ phải đặt tiền lên ban thờ, thì Phật mới độ. Tôi mong rằng các phật tử, khách hành hương, bà con nhân dân không nên tiếp tục để sai lầm này tiếp diễn...".
Một điều tôi cứ băn khoăn mãi, đó là chuyện đặt tiền công đức không đúng chỗ nói trên, nó chỉ xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Trong khi đó, nếu có dịp chúng ta đến những ngôi chùa ở miền Nam, nhất là ở TP.HCM, sẽ không có chuyện như vậy. Rất thanh tịnh và nghiêm trang. Các phật tử khi đến chùa, nếu muốn công đức, họ đều tế nhị bỏ vào hòm đóng góp nhang khói, rất nhẹ nhàng và tinh tế. Tuyệt nhiên không có cảnh “nhét” tiền vào bàn tay đức Phật như ta vẫn thấy ở ngoài Bắc. Tại sao lại quá khác nhau trong cách ứng xử như vậy? Đó là chưa kể hành vi mở dịch vụ đổi tiền lẻ trước cổng đền, chùa theo lối 10 "ăn" 8 hoặc 7 rất lãng phí. Giá như chúng ta có thiện tâm thì sao không bỏ hòm công đức một lần, khỏi đổi tiền, vừa tốn kém thêm lại vừa vi phạm luật?
Ở một lĩnh vực khác nữa, đó là người dân tham gia giao thông tại hai thành phố lớn nhất nhì cả nước cũng đã có sự khác nhau. Nếu ở TP.HCM, người dân đi xe máy hoặc xe đạp thường đi về làn đường riêng gần hè hơn, không đi lấn sang phần đường dành cho xe ô tô, dù cho bên đó có vắng hơn làn đường dành cho xe đạp, xe thô sơ…, thì ở Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông dù rất mất công, mất sức hướng dẫn người dân, nhưng mãi cũng chẳng hình thành được một nếp văn hóa giao thông cho quy củ. Họ cứ tìm mọi cách để lách luật.
Tôi được biết, trong nhiều chục năm qua, nhà trường của chúng ta đều dùng một bộ sách giáo khoa để dạy môn giáo dục công dân, đâu có khác gì nhau? Các trường cũng luôn tổ chức những giờ học ngoại khóa cho học sinh về luật Giao thông này khác, nhưng sự tiếp thu nghiêm túc của học sinh hình như mỗi miền một khác? Đó là nỗi buồn và cũng là nỗi lo của xã hội. Lý giải điều này, tôi cho rằng có một phần không nhỏ là lỗi của chính bố mẹ các cháu. Khi xưa, là cha mẹ, chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Đi đường còn cố tình lách để vượt, còn đám trẻ thì ngồi sau chúng ta nên nhìn thấy và sẽ bắt chước (một thói xấu) khi chúng trực tiếp tham gia giao thông . Nay, đến lúc chúng có con, nó lại cũng có nếp nghĩ như thế, chẳng ai làm gương cho ai nên… "bệnh nhờn luật" cũng là từ đó mà ra!
Đã tới lúc gia đình, nhà trường và xã hội phải thấy được trách nhiệm giáo dục con trẻ là việc của tất cả mọi cấp, mọi ngành và mỗi gia đình, không riêng ai và chỉ có như thế, cuộc sống mới dần đi vào quỹ đạo và trơn tru được. Một xã hội văn minh cần phải có nhiều cá nhân có lối sống văn minh. Nó là cái gốc để tạo nên một xã hội có gốc rễ quy củ và phải chuẩn mực về đạo đức. Không thể khác!
Bình luận (0)