Không nên phân biệt đối tượng hoãn nhập ngũ

14/08/2014 09:00 GMT+7

Hôm nay, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến lần đầu về dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Trước ý kiến trái chiều của dư luận về nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự luật, PV Thanh Niên đã phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ (ảnh), đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, xung quanh vấn đề này.

Hôm nay, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến lần đầu về dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Trước ý kiến trái chiều của dư luận về nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự luật, PV Thanh Niên đã phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ (ảnh), đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, xung quanh vấn đề này.

Tiễn thanh niên thủ đô lên đường nhập ngũ - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Hoãn nhập ngũ cho sinh viên học hệ chính quy

Theo tờ trình do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thừa ủy quyền Thủ tướng ký, nội dung sửa đổi đáng chú ý khác mà Chính phủ đề xuất là tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các đối tượng được tạm hoãn này sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ.

Trong tờ trình, Chính phủ cũng đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự luật sửa đổi.

Ông Hồ Trọng Ngũ nói: “Hiện nay chúng ta có nhu cầu về thanh niên nhập ngũ rất ít, chỉ có 0,12% số thanh niên tham gia nhập ngũ thôi và cũng chỉ có 5,85% thanh niên trong độ tuổi từ 18 - 25 đủ điều kiện nhập ngũ mới được nhập ngũ, vì chúng ta đang tinh nhuệ hóa nên không thể lấy nhiều. Lấy ít như vậy mà không chọn được tinh, thì đó là vấn đề quốc gia đại sự cần phải tính”.

Thưa ông, trong tờ trình về dự luật sửa đổi, Chính phủ cho biết sửa đổi quy định về hoãn nhập ngũ và cho phép các học sinh, sinh viên học hệ chính quy được hoãn, trong khi các hệ đào tạo khác thì không. Quy định này không nhận được đồng tình của dư luận xã hội vì như vậy là tạo ra bất bình đẳng?

Quan điểm của cơ quan thẩm tra là để tạo công bằng xã hội trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không kể học sinh, sinh viên đang học hệ chính quy hay không chính quy, khi đủ tuổi thực hiện nghĩa vụ, đủ điều kiện để nhập ngũ đều phải nhập ngũ. Trừ khi sinh viên đó đang học ngành mũi nhọn về khoa học kỹ thuật, phục vụ cho các công trình trọng điểm của đất nước thì có thể xét cho hoãn, học xong mới thực hiện nghĩa vụ, hoặc những sinh viên thực sự xuất sắc đang có công trình nghiên cứu cấp bách thì không nên buộc họ phải dừng học giữa chừng, mà nên để học xong mới thực hiện nghĩa vụ quân sự. Còn lại, đã bảo đảm công bằng thì không nên cho hoãn các trường hợp nào, kể cả sinh viên, học sinh học hệ chính quy hay không chính quy.

Trong dự thảo luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề nghị thống nhất thời gian tại ngũ 24 tháng, trong khi cơ quan thẩm tra lại đề nghị quy định 18 tháng. Vì sao lại là 18 tháng mà không phải 24 tháng, trong khi đòi hỏi về huấn luyện quân sự trong bối cảnh mới cao hơn so với trước đây?

Xét ở góc độ bình đẳng xã hội, thì việc quy định thời gian tại ngũ 18 tháng như đề nghị của Ủy ban Quốc phòng - An ninh là muốn cơ hội cho mọi người được tham gia thực hiện quyền nghĩa vụ phải lớn lên, phải có nhiều người tham gia hơn, vì như hiện nay, chỉ có 0,12% tham gia nhập ngũ. Nếu tăng thời gian tại ngũ lên thì cơ hội cho người khác được nhập ngũ, được huấn luyện lại ít đi.

 

Không phân biệt đối tượng hoãn nhập ngũ

Theo báo cáo thẩm tra dự luật sửa đổi do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa ký ngày 11.8.2014, có 3 loại ý kiến khác nhau về đối tượng hoãn nhập ngũ, trong đó, loại ý kiến thứ ba cho rằng không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục, để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành nhóm ý kiến này “để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của luật Giáo dục”. 

Thực tế thì không chỉ lực lượng chính quy mới quan trọng, mà khi đất nước có chiến tranh thì lực lượng dự bị là vô cùng quan trọng, vì chúng ta theo quan điểm chiến tranh nhân dân. Chính quy ít thì lực lượng quyết định chiến thắng khi xảy ra chiến tranh chính là lực lượng dự bị, nhân dân đánh giặc chứ đâu chỉ có quân đội. Nếu chúng ta không cho đầu vào nhiều thì lực lượng dự bị chúng ta sẽ yếu đi, mà hiện nay chất lượng đội quân dự bị đang rất yếu. Vì vậy, cần rút ngắn thời gian, đồng thời đổi mới hình thức huấn luyện, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện lên.

Chưa kể, thời gian phục vụ trong quân đội vừa phải cũng sẽ giúp cho người xuất ngũ nắm bắt được nhiều cơ hội khác trong đời sống xã hội hơn. Nếu thời gian tại ngũ nhiều thì khả năng hòa nhập trở lại với các lĩnh vực khác, nắm bắt cơ hội khác trong đời sống xã hội sau khi xuất ngũ sẽ hạn chế hơn. Nhìn ở các góc độ như vậy thì rút ngắn thời gian xuống 18 tháng là tích cực.

Khía cạnh bình đẳng khác là không chỉ anh cầm súng, vào quân ngũ là đóng góp bảo vệ Tổ quốc mà còn phải tạo cơ hội cho người khác không đủ điều kiện nhập ngũ được đóng góp bảo vệ Tổ quốc, bằng sức người, bằng trí tuệ, thậm chí bằng tiền để đóng góp xây dựng công trình này công trình kia, giúp cho công tác xây dựng củng cố công sự ở biển đảo chẳng hạn.

Nghĩa là ông cũng đồng tình với quan điểm cho phép thay thế nghĩa vụ quân sự bằng cách đóng tiền?

Chính xác của ý tưởng đó là: cho phép những công dân không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự, ví như tàn tật, thấp bé nhẹ cân quá không đảm bảo tiêu chuẩn, hoặc do quá tuổi… được đóng tiền thay cho việc họ không thực hiện được nghĩa vụ quân sự, chứ không phải cho phép người đủ điều kiện nhập ngũ được đóng tiền để thoái thác nghĩa vụ quân sự.

Một số thay đổi về thời gian phục vụ tại ngũ và đối tượng diện đi học được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự

   Luật Nghĩa vụ quân sự  (1981)  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự  (1990) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật
Nghĩa vụ quân sự (1994) 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nghĩa vụ quân sự  (2005) 
 Thời hạn phục vụ tại ngũ  - Ba năm, đối với hạ sĩ quan và binh sĩ;
- Bốn năm, đối với hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn, kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân;
- Hai năm, đối với hạ sĩ quan và binh sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học;
- Hai năm, đối với hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc một số dân tộc do Hội đồng Bộ trưởng quy định.
 - Hai năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ;
- Ba năm đối với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân.
   - 18 tháng đối với hạ sĩ quan và binh sĩ;
- 24 tháng đối với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân.
 Đối tượng tạm hoãn trong diện đi học  Người đang học ở trường phổ thông trung học, trường dạy nghề; người đang được đào tạo dài hạn ở trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng hoặc trường đại học.  Người đang học ở các trường phổ thông; đang học ở các trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học thuộc hệ tập trung dài hạn do nhà nước quản lý.  Người đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định.  Người đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định.

Nhất thiết phải tăng thời gian tại ngũ đồng loạt 24 tháng

Bất kỳ trường ĐH, CĐ nào, dù chính quy hay tư thục đều là như nhau, vì bây giờ mình đang kêu gọi xã hội hóa tất cả các hoạt động, kể cả giáo dục, vì vậy, không nên phân biệt tư thục với chính quy bằng việc quy định hoãn nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên học hệ chính quy, còn các sinh viên thuộc hệ đào tạo khác thì không. Theo tôi, đã cho hoãn thì phải cho hoãn tất với các sinh viên, học sinh đang học, còn nếu không thì không đối tượng nào được hoãn để bảo đảm công bằng.

Vấn đề thứ hai là bây giờ có ý kiến đề nghị nên giảm thời gian tại ngũ xuống 18 hoặc 12 tháng, thay vì 24 tháng như đề xuất của Chính phủ. Tôi cho rằng, trong tình hình đất nước hiện nay, chiến tranh đã rình rập thường trực, mà chiến tranh bây giờ không phải dùng cách thức phổ thông, bắn súng trường như trước, mà sẽ sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật quân sự hiện đại, nên nhất thiết phải tăng thời gian tại ngũ đồng loạt 24 tháng.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Bảo Cầm (thực hiện)

>> ‘Nghĩa vụ quân sự thay thế’ là một ý tưởng hay
>> Nhiều nước thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc
>> Đề nghị tăng chế tài đối với người trốn nghĩa vụ quân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.