Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) nhận định rằng cả Ukraine và Nga đều đang cạn dần tên lửa phóng từ trên không.
Các cuộc không kích của Nga gặp khó khăn không chỉ bởi lực lượng phòng không-không quân Ukraine mà còn vì sự thiếu hụt bom thông minh.
Nga đã tiêu thụ một lượng lớn tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 phóng từ máy bay.
Chuyên gia Douglas Barrie của Viện IISS đặc biệt lưu ý sự thiếu hụt tên lửa không đối đất tầm ngắn Kh-38 chuyên chống các mục tiêu bọc thép, có tầm bắn khoảng 40km. Dù đã có từ những năm 1980 nhưng lực lượng không quân Nga chưa bao giờ có đủ số lượng Kh-38 "cần thiết cho hoạt động quân sự".
Tuy nhiên, không quân Nga vẫn có lợi thế về hệ thống tên lửa không đối không tầm trung và tầm xa.
Theo viện nghiên cứu RUSI của Anh, các máy bay chiến đấu của Nga, bao gồm Su-35M à Su-30M, đều sử dụng tên lửa R-37M với tầm bắn hơn 320 km. Máy bay Su-35S mang tên lửa R-77-1 tầm bắn khoảng 100 km. Các tên lửa tầm xa của Nga có cơ chế "bắn và quên" tự bám bắt mục tiêu.
Trong khi đó, các chiến đấu cơ MiG-29 và MiG-27 của Ukraine chỉ được trang bị tên lửa R-27 với tầm bắn khoảng 77km. Tên lửa này có dẫn đường radar bán chủ động, tức là máy bay sau khi phóng tên lửa phải liên tục dùng radar của mình chỉ định mục tiêu cho tên lửa. Vì vậy, máy bay tấn công không thể làm nhiệm vụ khác, mà ngược lại máy bay đối phương có thể phát hiện mình đang bị radar quét mà cơ động lẩn tránh.
Theo Viện RUSI, dù tên lửa không đối không Nga "có xác suất tiêu diệt máy bay thấp", nhưng cũng đã nhiều lần hạ máy bay Ukraine và buộc phi công Ukraine luôn phải dè chừng.
Tình thế sẽ khác đi nếu các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine những chiến đấu cơ hiện đại hơn và các tên lửa không đối không như loại AIM-120D radar chủ động có tầm bắn khoảng 160 km.
Còn hiện tại, hy vọng đối với Ukraine chỉ là Nga sẽ không còn nhiều tên lửa loại này trong kho dự trữ.
Bình luận (0)