Không ra được bộ SGK, Bộ GD-ĐT dùng hơn 16 triệu USD để làm gì?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/11/2019 07:55 GMT+7

Trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD-ĐT báo cáo không thực hiện được việc này.

Vậy số tiền vay này được dùng vào việc gì?

Không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả

Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông quy định: để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD-ĐT báo cáo không thực hiện được việc này, do không đủ ứng viên để tuyển chọn tác giả.
Trả lời Thanh Niên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Nghị quyết 88 quy định như vậy để đảm bảo tránh bị động, không thiếu SGK của bất cứ môn học nào, lớp học nào. Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản cho phép Bộ không tổ chức biên soạn SGK mà thực hiện xã hội hóa việc biên soạn. Thực tế cho thấy, sau khi Bộ trưởng phê duyệt SGK lớp 1 thì tất cả các môn học đều có đầy đủ SGK, nhiều môn có nhiều SGK để lựa chọn. Quan điểm là khi đã thực hiện hoàn toàn xã hội hóa biên soạn SGK nhưng tất cả SGK đều do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt và được bình đẳng trong lựa chọn, sử dụng, thì có thể hiểu Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về tất cả các bộ SGK, không phân biệt bộ nào.

Sử dụng một phần để biên soạn tài liệu tập huấn !

Về kinh phí tổ chức biên soạn SGK, cụ thể, trong khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ SGK do Bộ tổ chức thực hiện.
Theo dự kiến, 16 triệu USD này dùng để xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo 1 bộ SGK; thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với 1 bộ SGK; biên soạn SGK song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và biên soạn, thử nghiệm SGK điện tử. Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các SGK (bao gồm sách của Bộ GD-ĐT và sách khác do cá nhân, tổ chức biên soạn).
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, kinh phí dành cho biên soạn SGK chỉ là một phần nhỏ, còn một loạt các công việc khác liên quan. Với sự thống nhất của Ngân hàng Thế giới, cấu phần này đang được sử dụng một phần để biên soạn tài liệu tập huấn và tiến hành tập huấn cho người thẩm định SGK và tới đây tài liệu ấy cũng được sử dụng tập huấn cho người biên soạn SGK, giúp tác giả SGK hiểu được chương trình, hiểu được tiêu chí thẩm định SGK để thực hiện biên soạn SGK đúng với các tiêu chí và có chất lượng tốt.
Phần kinh phí còn lại, theo ông Thành, tới đây sẽ có sự bàn bạc với Ngân hàng Thế giới. Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đang tiến hành tái cấu trúc để sử dụng nguồn vốn này vào các cấu phần khác hướng tới mục đích đổi mới chương trình, SGK. “Tất nhiên, phải xây dựng phương án rất chi tiết, phương án ấy được thẩm định kỹ lưỡng bởi các bên có liên quan và có sự thống nhất của nhà tài trợ thì mới giải ngân được”, ông Thành khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.