Không tăng giá vào thời điểm tăng lương

Mai Hà
Mai Hà
05/05/2024 05:12 GMT+7

Tại phiên họp Chính phủ tháng 4 diễn ra sáng 4.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không tăng giá đột ngột, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.

Xin ý kiến Bộ Chính trị về cải cách tiền lương

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình KT-XH tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ 2023; tính chung 4 tháng tăng 6%; trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 6,3%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3; bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 ước đạt 61,2 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp sáng 4.5

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp sáng 4.5

NHẬT BẮC

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, đã tăng vượt cùng kỳ trước đại dịch; khách quốc tế tháng 4 đạt gần 1,6 triệu lượt; tính chung 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%). Thu hút vốn FDI đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, cao nhất trong những năm qua…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Còn 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công. "Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về đầu tư, cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, không gây phiền hà, sách nhiễu, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội, tăng cường các dự án hợp tác công - tư, thu hút vốn FDI có chọn lọc…

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái…

Liên quan đến cải cách tiền lương từ ngày 1.7 tới, thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 4.5, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết các bộ đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị các nội dung cơ bản của cải cách tiền lương. Trong đó xin ý kiến thống nhất 5 bảng lương, 9 nhóm phụ cấp, các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; việc bảo lưu tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý khi chuyển sang lương mới thấp hơn lương cũ thì được bảo lưu như lương hiện hành.

Ngoài ra, xin ý kiến việc thực hiện trợ cấp với cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn lương tối thiểu vùng 1 thấp nhất để đảm bảo có đời sống đáp ứng được với mức lương trên 5 triệu đồng. Theo đó, mức lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất không thấp hơn 5 triệu đồng…

Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 24 về chế độ tiền lương mới với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ ban hành 12 thông tư hướng dẫn cụ thể cách chi trả, tính toán chế độ tiền lương mới…

Bắt tạm giam nguyên Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Vì sao nhiều tập đoàn công nghệ đến rồi đi?

Liên quan đến thu hút đầu tư, một thực tế là nhiều tập đoàn công nghệ lớn gần đây đến VN nhưng lại đầu tư tại nước khác. Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thành Trung cho hay các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đến VN mà còn đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm kiếm cơ hội và quyết định đầu tư "là việc bình thường". Lý do, việc đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn vào mỗi nước sẽ phụ thuộc các yếu tố khách quan như địa chính trị, kinh tế thế giới, khu vực và VN, xu hướng đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng của các quốc gia và toàn cầu, vấn đề an ninh. Ngoài ra, còn có các yếu tố chủ quan như chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, sự phát triển KT-XH của mỗi nước và nguồn lực triển khai…

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng điều quan trọng là sự sẵn sàng của VN trong thu hút các tập đoàn này, với 3 yếu tố chính là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để cải thiện sự sẵn sàng của VN trong thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao, như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để cải thiện hơn môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế đặc thù, đưa ra các ưu đãi cao, tốt nhất trong lĩnh vực công nghệ như bán dẫn, điện tử.

Cơ sở hạ tầng cũng ngày càng được hoàn thiện, gồm có hạ tầng giao thông, đường bộ, hàng không; hạ tầng liên quan phục vụ sản xuất như điện qua việc phê duyệt Quy hoạch điện 8 và kế hoạch triển khai thực hiện. Các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được tập trung đầu tư.

Về phát triển nguồn nhân lực, theo ông Trung, cùng với các cơ quan, viện, trường đại học có năng lực nghiên cứu, đào tạo, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng đề án đào tạo 50.000 kỹ sư về bán dẫn. "Các tập đoàn đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc theo đuổi ngành công nghiệp điện tử, chip bán dẫn, tập trung đối tác tiềm năng với cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là Mỹ", Thứ trưởng Trung cho hay. Kết quả việc đẩy mạnh thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao khá tốt, với các đối tác của Mỹ, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã đầu tư.

"Gần đây, lãnh đạo Nvidia sang thăm VN và cam kết sẽ hợp tác lĩnh vực bán dẫn. Trọng tâm là giúp VN nâng cao khả năng, xây dựng trung tâm AI và hệ sinh thái phát triển ngành bán dẫn. Bộ KH-ĐT cũng đã phối hợp cùng Samsung tổ chức chương trình đào tạo quốc gia cho nhân lực thiết kế ngành điện tử với 250 nhân lực kỹ sư đầu tiên", ông Trung cho hay.

Khởi tố ông Mai Tiến Dũng

Khởi tố ông Mai Tiến Dũng

Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ chiều 4.5, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, ngày 30.4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Dũng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn, Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan đã thực hiện thủ tục tố tụng theo quy định.

Bắt cựu Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Cũng tại họp báo Chính phủ chiều 4.5, liên quan vụ án tại Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can. Trong đó, bị can mới nhất là ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tài liệu điều tra cho thấy, giai đoạn từ tháng 12.2014 - 12.2023, Tập đoàn Thuận An trực tiếp hoặc liên danh đã tham gia và trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, TP, với tổng giá trị 23.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2022 - 2023, tập đoàn này trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng, trong đó có những gói thuộc nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau dịch Covid-19. "Các bị can Nguyễn Duy Hưng, Phạm Thái Hà, Dương Văn Thái và nhiều bị can khác khai báo với thái độ thành khẩn, làm rõ bản chất vụ án, chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại", trung tướng Tô Ân Xô cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.