Con “cô-vít” chê tui cô à !
Cụ bảo, người dân mình đi lại nhiều, nhưng mấy tháng qua không gặp một đoàn khách du lịch ngoại quốc nào, thấy trống vắng, buồn buồn. Chưa kịp hỏi, cụ tự giới thiệu vanh vách: “Tui tên là Dương Văn Ngộ, sinh ngày 3.3.1930, năm nay tui tròn 90 tuổi. Nghỉ hưu là tui ra ngồi đây, nay đã 30 năm rồi, ngồi ai kêu viết giúp gì thì viết. Xưa hay viết, dịch giùm thư, nay chủ yếu viết bưu thiếp kỷ niệm Sài Gòn. Khách cho nhiêu tui cảm ơn, không đòi hỏi”.
Đã quá giờ trưa. Chia tay để ông đến quán cơm Bắc ăn món canh cua rau đay, trời mưa lất phất, ông nói phải mượn cây dù để đi ăn. Bất chợt tôi nói câu có vẻ thừa: “Bác nhớ giữ sức khỏe, ngày nào không khỏe không nên đi làm”. Với nụ cười hiền hậu, ông nhắc lại: “Cô-vít chê tui rồi, không ra đây nói dóc, ở nhà buồn lắm. Mong mọi thứ trở lại bình thường để bưu điện đông khách ghé thăm hơn”.
|
Trưa thứ năm. Trời Sài Gòn đổ cơn mưa bất chợt, ông nói trưa nay mượn cái dù ra ngoài ăn trưa, ngại không ăn trong căn tin đâu. Hỏi tại sao? Ông thật thà nói: “Suốt cuộc đời làm công chức của ngành bưu điện, về hưu 30 năm qua tui vẫn gắn bó và xem nơi đây như mái nhà thứ hai của mình. Lãnh đạo và các cháu ở đây (nhân viên Bưu điện TP.HCM - PV) xưa nay luôn coi tui như người trong nhà, xuống ăn trưa dưới căn tin, họ không lấy tiền nên ngại”.
Rồi cụ kể nếu ăn cơm hộp bình dân giá 20.000 đồng, hôm nào thích có chén canh húp cho “trơn cổ”, chịu khó đi bộ tới quán cơm Hoàn Kiếm đầu kia (quán cơm Bắc nằm ngay ngã tư đường Nguyễn Du và Pasteurs - PV) ăn đĩa cơm 30.000 đồng, chỉ ở đó đặc biệt có món canh rau đay nấu cua dễ ăn, chứ vài ba cọng cải luộc hoặc xào trong hộp cơm cứng lắm nhai không được”. Con người nhỏ nhắn chưa tới 40 kg, khi nói chuyện ít nhìn vào người đối diện, cứ bận rộn với mớ giấy tờ, bưu thiếp trên bàn, nay đã 90 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng ở cụ Ngộ, lòng tự trọng, tính độc lập và rõ ràng trong các mối giao tiếp xã hội đáng trân trọng.
Ông kể mấy tháng nay dịch bệnh, không có “công chuyện” gì làm, ý nói không có khách du lịch nước ngoài để “trổ tài” nói chuyện với họ, viết bưu thiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt cho khách... Ông kể hồi còn đi làm (trước năm 1990), vừa làm thủ quỹ kiêm nhân viên ngân hàng. Mỗi lần đi nhận tiền về cho khách vác cả bao trên vai, không nhờ bảo vệ giúp vì “họ có công việc của họ, mình có công việc của mình, không nên cứ ỷ lại nhờ vả khi mình còn mang vác nổi. Nay cũng vậy, cái gì tự làm được thì làm, không nên tự biến thành gánh nặng cho con cháu hay “cục nợ” trước mắt người ta”.
|
Viết thư giúp vạn người
Hỏi ông kể một vài kỷ niệm khó quên trong đời viết thuê tại Bưu điện Sài Gòn, ông lắc đầu: “Xưa nhiều người nhờ dịch thư từ nước ngoài về, hoặc nhờ dịch từ tiếng Việt sang tiếng ngoại quốc, Anh, Pháp, Mỹ... Tui giúp họ dịch xong là thôi, không có lưu nhớ nhiều, không tò mò. Tui không viết nhiều thư, chỉ dịch, vì tình cảm mỗi người tự nói trong lòng của họ ra, sao mình biết tình cảm của họ thế nào mà “bịa” để viết được”.
“Vậy xưa bác có viết thư cho bác gái ở nhà không?”, chúng tôi hỏi. “Không đâu, quen biết gặp cưới nhau có chi mà viết. Nói chuyện trực tiếp được rồi, đâu có ở xa ngái mà viết lách”, nói đoạn ông lại lục trong xấp ảnh bỏ trên bàn lấy tấm hình chụp bà ngồi ở nhà cùng nhóm những người làm phim về ông cách đây 8 năm, chỉ vào người đàn bà có nụ cười phúc hậu trong tấm hình, ông nói tiếp: “Bà nhà bằng tuổi tui nhưng yếu lắm. Bả chỉ ở nhà đi tới đi lui và coi truyền hình thôi. Bả khác tui, làm biếng đi ra ngoài”.
Cách ông nói chuyện và kể về “bà nhà”, về những kỷ niệm viết thư tình xuyên biên giới cho dù có lãng mạn bay bổng đến đâu, vẫn đầy… tính nghiêm túc, chỉn chu, thậm chí khô khan, nguyên tắc rất “hành chính”. Ông cũng cho rằng, văn phong viết thư tay rất quan trọng, đọc vào người ta biết mình chân thành hay không. Nên có gì nói nấy, không nên màu mè nhưng trang trọng và đủ ý, kể cả viết thư tình.
Cất album ảnh vào trong giỏ, ông lại lúi húi tìm bản photo bài báo tiếng Đức viết về ông năm 2007 ra khoe. “Lúc đó đâu biết ổng (phóng viên Fiona Ehlers của tạp chí Der Spiegel của Đức - PV) là phóng viên đâu, chỉ trò chuyện như bao khách ngoại quốc khác. Rồi báo in họ gửi về tặng, từ đó, nhiều khách ở Đức và các nước châu Âu đến Việt Nam ghé bưu điện thăm hỏi nhiều hơn. Vui lắm”, ông hồi tưởng. Tay mân mê cái kính lúp có khắc dòng viết tặng bằng tiếng Việt, ông kể là món quà của một người Đức tặng. Họ thuê khắc tiếng Việt để tặng ông nhân dịp quay lại TP.HCM và đúng sinh nhật của ông 3.3.2018.
Ông Dương Văn Ngộ kể gia đình có 6 người con, 2 trai, 4 gái. Hiện ông sống tại TP.HCM cùng vợ và người con gái lớn nay cũng 64 tuổi, đã nghỉ hưu. Ông kể cháu nội ngoại của ông học giỏi lắm, có đứa đang du học ở Singapore. Học hết tiểu học vào những năm 40 của thế kỷ trước, ông đã thông thạo tiếng Pháp. 15 tuổi vào phụ làm “lắt nhắt”, đến 18 tuổi được vào chính thức ở Bưu điện Sài Gòn. Năm 36 tuổi (1966), ông kể được bưu điện Sài Gòn cho đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ để phục vụ khách hàng. Ngoài tiếng Pháp, ông đọc thông viết thạo tiếng Anh từ đó. Sau năm 1975, ông tiếp tục làm việc tại bưu điện cho đến năm 1990 nghỉ hưu, ăn lương hưu và lại đến bưu điện hằng ngày dịch, viết thư, viết bưu thiếp và trò chuyện với du khách đến tham quan bưu điện như nhân chứng sống của thành phố.
Đang trò chuyện, có hai khách người Pháp đang làm việc tại TP.HCM đến nhờ viết bưu thiếp gửi về Pháp, ông dừng cuộc nói chuyện, quay sang nói “một tràng” tiếng Pháp với khách rồi lấy tấm bưu thiếp in hình Bưu điện Sài Gòn xưa khi chưa trùng tu, nắn nót viết: “Kỷ niệm vui trong lần đến Bưu điện Sài Gòn và gặp ông Dương Văn Ngộ” bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Ông trò chuyện vui vẻ với khách hơn 5 phút, gửi lời chúc sức khỏe và “vượt qua đại dịch Covid-19” với khách.
Bình luận (0)