Đó là hiện trạng của HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM), sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đáng nói hơn là hiện trạng tồi tệ này đã kéo dài nhiều tháng qua và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Nó không chỉ là sự phẫn nộ của các nhà đầu tư cá nhân bị “bịt mắt” khi giao dịch (vì thế không ít người trong số đó bị mất tiền oan, không ít người lại mất cơ hội).
Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quản trị yếu kém của thị trường chứng khoán còn gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chúng ta đều biết, trước đây, hầu hết vốn của doanh nghiệp đều vay từ hệ thống ngân hàng. Có những thời điểm, dư nợ tín dụng/GDP lên tới 40%, gây rủi ro cho cả nền kinh tế. Đó là lý do bao năm qua Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển thị trường vốn (chứng khoán) với mục tiêu trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay, khi ngân sách phải cân đối rất nhiều vấn đề quốc sách, an sinh thì việc thị trường chứng khoán trong nước sôi động đã mang lại kết quả hết sức tích cực cho nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tiền đổ mạnh vào chứng khoán khiến thuế thu nhập cá nhân từ kênh này trong 5 tháng đầu năm nay tăng tới 320% so với cùng kỳ. Số liệu này chưa kể những đóng góp từ thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty chứng khoán cũng như các đơn vị liên quan. Quan trọng hơn, hàng loạt doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán đã và đang huy động một khối lượng vốn rất lớn để duy trì sản xuất, mở rộng quy mô và đón thời cơ sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thế nhưng, những thành quả này đang bị đe dọa bởi hệ thống giao dịch lạc hậu cũng như năng lực quản trị yếu kém của lãnh đạo hệ thống này. Hãy thử đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, nhìn thấy giá cổ phiếu thay đổi mà không được chỉnh sửa lệnh cho phù hợp với diễn biến thị trường dù quy định cho phép, bạn có còn mặn mà tham gia nữa không? Hoặc đang có ý định bỏ vốn vào kênh này, bạn có rút lại ý định khi biết rằng việc lời hay lỗ của bạn có thể không phải do cổ phiếu tăng hay giảm? Chứng khoán Việt Nam thăng hoa, tăng trưởng cao nhất thế giới thu hút sự quan tâm không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả dòng vốn ngoại. Nhưng cơ sở hạ tầng ì ạch kéo dài quá lâu với các lỗi sơ đẳng nói trên, chẳng khác nào đuổi họ đi, chẳng khác nào chặn những nhà đầu tư mới. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?
Vừa qua, nhiều nhà đầu tư phẫn nộ đề nghị lãnh đạo HOSE từ chức. Sự phẫn nộ của họ rơi vào hư không, không có câu trả lời. Cũng như trong suốt hơn nửa năm qua, những bức xúc, phẫn nộ của nhà đầu tư về việc này cũng không có hồi đáp. Cứ tiền vô, mạng nghẽn, lãnh đạo HOSE yêu cầu các công ty chứng khoán áp dụng các giải pháp gây bất lợi cho nhà đầu tư trong khi thuế, phí thu đủ.
Lãnh đạo HOSE có thể im nhưng Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản thì không thể không lên tiếng.
Bình luận (0)