Tình trạng cảnh giác quá mức của các địa phương trước tình hình dịch bệnh tại TP.HCM khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ra công điện, ông gọi đó là “những biện pháp chống dịch cứng nhắc, có mức cực đoan”, đe dọa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn”.
Nhưng có vẻ lần này các tỉnh “phong thành” đã “gặp may”, không có lãnh đạo địa phương nào bị Thủ tướng phê bình giống như hồi đầu tháng 5 vì lơ là chống dịch. Mặc dù “ngăn sông cấm chợ” do hoang mang, mất bình tĩnh là 1 trong 2 trạng thái chống dịch (cùng với chủ quan, lơ là) mà Thủ tướng nhiều lần yêu cầu “cần chấm dứt” và “tuyệt đối không tái diễn”.
Diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19 trong nước và thế giới cho thấy việc chạy theo "dập dịch" bằng các phương thức bị động trước đây không còn là giải pháp lâu dài. Việc đóng cửa, cách ly diện rộng để “dập dịch” mỗi khi xuất hiện ổ dịch mới sẽ khiến nền kinh tế bị tê liệt. Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 (tháng 4.2021), Chính phủ đã chuyển hướng rất mạnh mẽ sang chủ động “tấn công” dịch bằng việc thúc đẩy ngày càng nhanh hơn việc tiêm vắc xin, áp dụng công nghệ trong phòng dịch, tăng cường các biện pháp chế tài để nâng cao ý thức phòng dịch của người dân. Việt Nam đang phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Trong công điện ngày 7.6, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không được “ngăn sông cấm chợ”. Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò điều hành của chính quyền địa phương và kêu gọi sự phối hợp giữa các tỉnh - điều mà ông gọi là sự “thống nhất”. Đương nhiên, nếu không có sự “thống nhất” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mang tầm quốc gia thì rồi sau đây, không chỉ người Hải Dương bị “cấm” về Hải Phòng, Quảng Ninh..., người TP. HCM bị “cấm” về Đồng Nai, Vũng Tàu... mà bất cứ địa phương nào cũng có thể “phong thành” chống dịch, tùy mức độ “mất bình tĩnh” của lãnh đạo địa phương.
Nhưng có lẽ để tạo một sự thống nhất cao trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mà vẫn phát huy vai trò chủ động, tự quyết tùy tình huống cụ thể của chính quyền các địa phương, các bộ, ngành tham mưu cũng cần có một kịch bản chi tiết cho từng lĩnh vực, không nên để tiếp tục tình trạng địa phương phải dài cổ chờ hướng dẫn (chẳng hạn như thay đổi trong cách ly F1, quy định cách ly y tế đối với tài xế vận tải hàng hóa giữa các vùng dịch ra sao...). Thiếu những kịch bản chi tiết, sẽ khiến cho các địa phương lúng túng, đẩy Chính phủ đôi khi phải làm “đốc công” bất đắc dĩ.
Bình luận (0)