Không tiền lắp sọ: Đau đáu từ lao động chính giờ ngồi một chỗ, gánh nặng vợ con

01/12/2019 12:12 GMT+7

4 năm trước, ‘anh thợ hồ’ Võ Văn Em bị người chạy xe máy tông trúng rồi bỏ chạy làm ông dập nát một phần hộp sọ. Sau tai nạn, ông Em phải chịu đau đớn thể xác vì không có tiền lắp hộp sọ nhân tạo.

Sau buổi tối ở lại ráng làm để hoàn công cho chủ, “anh thợ hồ” Võ Văn Em (54 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) vừa chạy xe ra về thì bị một xe phía sau tông trúng. Sau vụ tai nạn, ông Em nằm bất động, tỉnh dậy thì đã thấy mình ở trong bệnh viện với chi chít dây nhợ gắn trên đầu. Ông Em bị dập nát một phần hộp sọ.

Sống chung với khuyết sọ sau tai nạn

21 giờ đêm 18.6.2015, bà Hà Thị Loan (45 tuổi, vợ ông Em) vừa bán vé số về tới nhà, chưa kịp ăn uống thì thấy điện thoại từ số lạ gọi đến hớt hải báo tin chồng đang cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định vì tai nạn giao thông. Không kịp hỏi chồng ra sao, bà Loan tất tả chạy vào bệnh viện.
Đến nơi, chị chồng của bà Loan đang túc trực ngoài phòng cấp cứu báo tin, ông Em đang rất nguy kịch nên người chị đã phải lăn tay đồng ý mổ gấp. Thấp thoáng qua khe cửa phòng cấp cứu, bà Loan cố gắng nhìn vào phía trong nhưng vô vọng.
Khi được chuyển ra ngoài, ông Em trong trạng thái hôn mê, dây nhợ chằng chịt ở đầu khiến bà Loan không khỏi đau xót cho người chồng của mình.

Phần hộp sọ bị khuyết của ông Em sau tai nạn

Vũ Phượng

“Tôi hỏi người chuyển vào thì được biết chồng bị tai nạn ở con hẻm trên Quốc lộ 13, Q.Thủ Đức. Con hẻm tối đen, người gây tai nạn bỏ chạy, người đi đường thấy ông bất tỉnh nên vội vàng gọi xe cứu thương”, bà Loan kể lại.
Sau khi xuất viện, ông Em bị khuyết một phần hộp sọ não. Bác sĩ chỉ định phải lắp sọ nhân tạo để bảo vệ dây thần kinh bên trong, chi phí khoảng 50-60 triệu đồng. Nghe vậy, vợ chồng ông Em đành dắt nhau ra về, không hẹn với bác sĩ ngày quay lại. Suốt 4 năm qua, ông Em sống chung với phần hộp sọ bị lõm sâu khoảng 3cm, đường kính chừng 8cm ở ngay đỉnh đầu.

Gia đình ly tán

Chính vì phải sống chung với phần hộp sọ bị khuyết, nên ông Em đi đâu cũng phải đội mũ bảo hiểm. Vì chỉ một vật gì rơi trúng đầu cũng có thể xuyên qua da vào bên trong não gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Em tâm sự: “Tôi phải chuyển về Bình Chánh ở trọ cùng người anh kết nghĩa vì ở đó vắng vẻ, thoáng đãng, đỡ nguy hiểm đến tính mạng. Vợ con tôi thì ở nhờ nhà người anh trai. Gia đình mỗi người một nơi không ai mong muốn, nhưng không còn cách nào khác vì mọi việc trong nhà giờ chỉ một tay vợ lo”.

Ông Em thường nhìn xa xăm để giấu đi nỗi buồn của mình

Vũ Phượng

Vợ chồng ông Em có hai người con gái sinh đôi đang học lớp 10. Dù rất nhớ ba và muốn ở cạnh bên để chăm sóc ba những lúc trái gió trở trời nhưng cả hai em đều phải chấp nhận cảnh mỗi tuần chỉ gặp ba được một lần.
Theo lời bà Loan, ngày chồng vừa xuất viện, bà vẫn đi bán vé số để kiếm tiền mua thuốc giảm đau cho chồng. Tiền ăn học của hai con, may mắn được anh em trong nhà giúp đỡ nên bà mới trụ được đến hôm nay.
“Gần đây, vé số khó bán quá nên tôi chuyển qua làm bánh hẹ thuê cho một cơ sở tư nhân. Lương mỗi ngày là 110.000 đồng, ngày nào nhiều hàng thì được chủ trả thêm 20.000 - 30.000 đồng. May mà không tốn tiền nhà trọ chứ không chắc xoay xở không nổi”, bà Loan trải lòng.

Không mong tìm lại người gây tai nạn

Suốt cả buổi ngồi nói chuyện, ông Em luôn nhìn xa xăm về phía cửa vì không muốn ai nhìn thấy nỗi buồn của mình.
Ông Em bộc bạch, rất khó để ông có thể làm quen với cảm giác đang là lao động chính trong nhà, lại trở thành người ngồi một chỗ, là gánh nặng cho vợ con. Mỗi ngày trời nắng, các dây thần kinh tại vị trí lõm sọ lại đau nhức khiến ông phải uống thuốc giảm đau. Trời mưa cũng thế, ông bất lực ngồi ôm đầu nghĩ về vợ con. Lâu lâu, ông Em cũng thường giúp hàng xóm sửa cống, sửa ống nước cho đỡ nhớ nghề.

Hai con gái sinh đôi của ông Em mong vẫn được đến trường để có tương lai lo cho ba

Vũ Phượng

Dù vậy, nhưng ông Em tâm sự: “Tôi không mong muốn tìm lại người gây tai nạn, vì họ chắc đã bị bản án của lương tâm. Còn tôi sau tai nạn vẫn giữ được mạng sống đó là một điều may mắn”.
Em Hà Thị Thanh Thảo (con gái đầu của ông Em) cho biết, hai chị em rất mong muốn cả nhà được ở gần bên nhau để cùng chăm sóc ba, nhưng tiền nhà trọ hiện không thể lo được nên cả nhà đành hai ngả.
Còn em Hà Thị Thanh Thúy thì chia sẻ: “Hai chị em từng phải suýt nghỉ học vì đầu năm không có tiền đóng học. Nhà cũng không có tiền dành dụm vì lo hết cho ba sau tai nạn. Còn 2 năm cuối cấp 3 nữa là ra trường, tụi em mong không phải nghỉ học giữa chừng. Vì giờ chỉ có học ra trường thì tụi em mới đi làm kiếm tiền lắp sọ cho ba được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.