Mất một chân sau tai nạn, nữ sinh lớp 8 mơ ước đủ tiền mua chân giả

29/11/2019 12:14 GMT+7

Sau một vụ tai nạn giao thông năm 7 tuổi, Nguyễn Thị Hoàng Oanh phải cắt vĩnh viễn gần hết chân trái. Từ đó đến nay, cô nữ sinh luôn khao khát có được chân giả để đi lại bằng hai chân.

Ai sinh ra cũng có quyền mơ được hạnh phúc, được sống trong sự quan tâm từ cha mẹ. Nhưng với Hoàng Oanh, hiện là học sinh lớp 8/10 trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì khác, em không dám mơ đến những điều đơn giản đó, vì em đã phải đối mặt với quá nhiều thử thách của cuộc đời. Trong đó, thử thách đau đớn nhất với em có lẽ là vụ tai nạn 7 năm trước...

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Giữa trưa một ngày cuối tháng 11, được sự giới thiệu của Công an P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM, tôi tìm đến căn trọ nhỏ của Oanh ở đường số 9. Oanh ở cùng với dì của mình là bà Trần Thị Lê Tuyết (49 tuổi).
Sở dĩ cuộc hẹn của tôi và Oanh cùng bà Tuyết lại vào buổi giữa trưa vì Oanh học hai buổi, bà Tuyết lại liên tục đi bán vé số, chỉ tranh thủ giờ trưa về đưa rước cháu đi học.

Oanh hiện là học sinh lớp 8/10 trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, Q.Gò Vấp

Vũ Phượng

Bà Tuyết kể, bà là em gái của bà ngoại Oanh, nhưng vì bà ngoại Oanh mất sớm, nên mẹ của Oanh đã ở chung căn nhà trọ với bà từ lâu. Ngày trước, mẹ và ba Oanh thương nhau, về ở chung rồi có Oanh, dù phía nhà trai không ý. Tưởng đâu cuộc sống hạnh phúc vì ba mẹ Oanh đã vượt qua được thử thách, nhưng khi Oanh vừa tròn 1 tháng tuổi, cũng là lúc ba của Oanh bỏ đi và mất liên lạc cho đến hôm nay.
Từ đó, vợ chồng bà Tuyết chăm sóc hai mẹ con Oanh như con cháu trong nhà. Năm Oanh vừa tròn 6 tuổi thì mẹ Oanh phát hiện ung thư cổ tử cung. Nằm viện một thời gian, không có tiền điều trị, mẹ Oanh được các sơ đưa về Thủ Đức chăm sóc và mất sau đó.

Oanh luôn tỏ ra lạc quan vì đã quen với việc mất đi một chân

Vũ Phượng

“Mẹ nó vừa mất được 2 tháng thì nó đi cùng với cậu chạy qua nhà họ hàng chơi. Trước khi đi, cậu nó cũng uống nhiều rồi. Nhà tôi cứ nghĩ có con nít đi cùng thì cậu nó cũng vững tay lái, chạy chậm hơn. Ai ngờ đâu lần đó lại xảy ra tai nạn. Oanh bị xe tải cán dập nát chân nên phải cắt bỏ chân lên tới đùi. Lúc tỉnh dậy nó đòi chân khóc hoài. Cậu nó hối hận lắm, rồi vì bệnh tim, cậu nó cũng vừa mất cách đây 3 năm”, bà Tuyết nghẹn ngào nhớ lại.
Thời điểm đó, bà Tuyết cũng vừa bị gãy chân nên vừa chống nạng, vừa chăm cháu ở bệnh viện, ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng.

Cuộc sống thiếu một chân chẳng khó khăn gì vì 'em quen rồi’

Suốt buổi nói chuyện cùng tôi, khi được hỏi về những cảm xúc của mình, Oanh liên tục khẳng định: “Em quen rồi”. Dù trả lời mạnh mẽ như vậy, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt của mình, Oanh vẫn chẳng thể giấu được sự cô đơn.
Oanh chẳng thể nhớ nổi vụ tai nạn 7 năm trước diễn ra thế nào. Em chỉ nhớ được rằng khi tỉnh dậy trong bệnh viện, Oanh cử động chân mãi mà không được, ngồi dậy nhìn xuống thì không thấy một chân đâu. Oanh đã bật khóc nức nở.

Ước mơ của Oanh là có một chiếc chân giả để thuận tiện việc đi lại

Vũ Phượng

Bà Tuyết tâm sự: “Khi vết thương tạm ổn, bác sĩ cho xuất viện về nhà, Oanh liên tục khóc vì tủi thân. Suốt ngày đòi cậu trả chân cho con, người lớn trong nhà phải nói xạo là từ từ chân sẽ mọc lên lại, rồi dùng xe lăn đẩy Oanh ra đường cho khuây khỏa. Mà hễ ngồi nhớ đến chân là lại khóc”.
Với Oanh, cuộc sống thiếu một chân chẳng khó khăn gì, vì “đã 7 năm, em quen rồi”. Oanh đi lại với sự hỗ trợ của cặp nạng được hàng xóm tặng. Năm học cấp 1, Oanh từng được thầy hiệu trưởng trường Lam Sơn mua tặng chiếc chân giả nhưng năm đó em còn quá nhỏ để có thể đeo theo chiếc chân giả gần 10 kg bên mình nên đành bỏ cuộc sau 6 tháng tập đi.

Oanh hiện ở cùng với bà dì của mình tại phòng trọ trên đường số 9, P.9, Gò Vấp

Vũ Phượng

Vậy mà cùng cặp nạng của mình, Oanh đã cùng bà dì đi bán vé số khắp các ngả đường của quận Gò Vấp để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhiều khách quen biết hoàn cảnh của Oanh nên thường mua ủng hộ. Gần đây, bước vào năm học lớp 8 vì bài vở nhiều hơn nên bà Tuyết để Oanh ở nhà học bài, một mình bà bươn chải để lo lắng mọi khoản chi tiêu trong nhà. Còn thu nhập từ nghề thợ hồ của chồng bà để lo tiền nhà trọ và điện, nước.

Khao khát một chiếc chân giả

Ngồi nhìn Oanh sửa soạn sách vở chuẩn bị đến trường, bà Tuyết bộc bạch: “Ngày đó, cậu nó nhậu xong chở nó đi. Lúc uống vào rồi, ai cũng nghĩ mình vẫn đủ tỉnh táo để lái xe chứ đâu nghĩ rằng tai nạn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Chuyện cũng qua rồi, cậu nó cũng mất rồi, tôi chỉ động viên nó cố gắng học tập để có tương lai tốt đẹp hơn. Ông trời bắt mình thiệt thòi thì mình phải biết cách vươn lên. Tôi cũng mong mọi người nếu uống rượu bia rồi thì đừng lái xe nữa”.
Theo lời bà Tuyết, từ nhỏ đến lớn, dù ở cùng bà Tuyết và sát bên phòng trọ là bà cố, nhưng Oanh chẳng bao giờ tâm sự buồn vui với ai, chỉ chăm chăm phụ bà Tuyết đi bán vé số và học hành, 7 năm liền là học sinh khá, giỏi.

Bà Tuyết bán vé số hằng ngày, nhưng luôn tranh thủ sáng, trưa, chiều về đưa rước Oanh đi học

Vũ Phượng

Oanh hiểu hoàn cảnh gia đình nên chưa bao giờ đòi hỏi bà Tuyết phải mua thứ này, sắm thứ kia để bằng bạn bằng bè. Có một điều Oanh luôn khao khát suốt 7 năm qua mà không dám nói với bà dì của mình vì biết bà có cố thế nào cũng không thể đủ tiền để thực hiện ước mơ đó của Oanh, đó là một chiếc chân giả để Oanh đi lại thuận lợi hơn và cân bằng cơ thể hơn.
“Em nghe nói chân giả mắc lắm, bà em bán vé số sao mà mua nổi. Nhưng ước mơ thì ai cũng có quyền được mơ nên em cứ mơ vậy thôi. Sau này em lớn em đi làm rồi em sẽ có thể tự mua được”, Oanh tâm sự.
Cô Hoàng Thị Lệ Diễm, Giáo viên chủ nhiệm lớp 8/10, trường THCS Huỳnh Văn Nghệ cho biết, Oanh là học sinh khá giỏi ở trường. Trong lớp, Oanh hòa đồng với tất cả bạn bè và luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Về phía nhà trường, vì hiểu rõ hoàn cảnh và tai nạn của Oanh nên thầy, cô luôn quan tâm theo dõi và động viện thường xuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.