Không tồn tại trên thực tế!

18/09/2019 15:57 GMT+7

Đối chiếu với những vụ việc gian lận thương mại, trốn thuế, tần suất giải thể hoặc biến mất một cách bất thường 'không tồn tại trên thực tế' của nhiều doanh nghiệp , sẽ thấy rất nhiều lỗ hổng trong quản lý.

Cụm từ "không tồn tại trên thực tế" hoàn toàn không lạ lẫm với nhiều người, vì trong rất nhiều văn bản thanh tra, báo cáo của các ngành chức năng hoặc trong cáo trạng một vụ án, khi không thể tìm ra được pháp nhân đã đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ quan chức năng đành đưa vào văn bản là: “công ty (hoặc doanh nghiệp) này không tồn tại trên thực tế”. Hay là cụm từ mà báo chí hoặc một số người quen dùng với dấu ngoặc kép: “doanh nghiệp ma”!
Chẳng hạn, trong vụ nhập và lưu hành thuốc ung thư giả chấn động với số lượng rất lớn, 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg mà ngày 16.9 Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, có câu “Công ty Helix không tồn tại trên thực tế nhưng không kịp thời phát hiện dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN cho công ty này” (Báo Thanh Niên ngày 17.9)…
Cùng với sự phát triển kinh tế, việc càng ngày càng cải tiến thủ tục cho thành lập doanh nghiệp nhanh để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh là một bước tiến bộ vượt bậc, từ sau khi luật Doanh nghiệp đầu tiên được chính thức ban hành cách đây 20 năm (6.1999). Trong đó, việc bãi bỏ những thủ tục rườm rà và tạo điều kiện thông thoáng cho việc cấp giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp được đặt ra như một tiêu chí sống còn của mục tiêu phát triển kinh tế. Song song với đó, nhóm biên soạn Luật doanh nghiệp thời kỳ này bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng ra một cụm từ rất tiến bộ: hậu kiểm. Có nghĩa là, anh được cấp phép thành lập doanh nghiệp rất nhanh chóng, trong một “không khí thuận lợi và thông thoáng” nhưng phải hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu không, một khi bị nghi ngờ và tiến hành “hậu kiểm” thì sẽ bị “thổi còi”, sẽ đối diện với pháp luật.
Đáng tiếc thay, sau 20 năm qua, việc vận dụng quyết liệt tiêu chí “hậu kiểm” vốn là tinh thần lớn lao của Luật doanh nghiệp và là tư duy rất tiến bộ của những người biên soạn, đã bị buông lỏng không được “kèm chặt”, đã gây ra những tác hại khôn lường cho xã hội. Những “cầu thủ” trên “sân cỏ kinh tế” đã mặc nhiên “dẫn bóng” theo chiều hướng chỉ có lợi cho riêng mình mà không tuân thủ “luật chơi”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện của nền kinh tế. Mà các cụm từ nêu trên, như “không tồn tại trên thực tế” hoặc “doanh nghiệp ma” là những ví dụ sinh động nhất cho tình trạng “hậu kiểm” lỏng lẻo này!
Thử tìm hiểu loại “doanh nghiệp ma” gây hại cho nền kinh tế, thì định nghĩa chỉ vỏn vẹn như sau: “Là những doanh nghiệp tuy đã làm thủ tục thành lập, nhưng thực tế không tổ chức sản xuất - kinh doanh, mà chỉ để mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm thu lợi bất chính, rồi bỏ trốn”. Nhưng, để nhận biết “doanh nghiệp ma” thì có đến 10 dấu hiệu. Ở đây, người viết chỉ dẫn ra 4 dấu hiệu dễ nhận biết nhất, mà các cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngay nếu nghi ngờ: Giám đốc điều hành thường được thuê tại địa phương, trình độ rất thấp, có người làm xe ôm, thất nghiệp, thậm chí có người còn có tiền án, tiền sự; Việc thanh toán thường không qua ngân hàng, chủ yếu bằng tiền mặt; Thời gian giữa các lần mua hóa đơn rất ngắn, tần suất xuất hóa đơn nhiều; Doanh số kinh doanh được kê khai trong các tờ khai thuế hàng tháng thường rất lớn, nhưng số thuế phải nộp lại rất ít, hoặc thuế giá trị gia tăng đầu ra nhỏ hơn thuế giá trị gia tăng đầu vào, nhưng không xin hoàn thuế…
Đối chiếu với những vụ việc gian lận thương mại, trốn thuế, tần suất giải thể hoặc biến mất một cách bất thường của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu trong thời gian gần đây, thì sẽ thấy còn rất nhiều lỗ hổng trong cung cách quản lý, mặc dù số lượng ban bệ và viên chức hành chính của chúng ta vô cùng lớn.
Nếu không lấp các lỗ hổng ấy bằng những “kỹ thuật quản lý” hoặc vẫn để tồn tại những cán bộ yếu kém năng lực, biến chất trong phạm vi chức trách của mình, thì vấn đề "không tồn tại trên thực tế" này  vẫn sẽ… mãi tồn tại trong các văn bản, một khi có vụ việc xảy ra!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.