Khúc tráng ca Chúng ta đòi hòa bình

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/09/2022 07:06 GMT+7

Sáng 15.9 tại TP.HCM, Ban liên lạc Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định trước năm 1975 và Đường sách TP.HCM đã tổ chức buổi ra mắt sách Chúng ta đòi hòa bình (NXB Trẻ vừa ấn hành), đồng thời giao lưu với những người trong cuộc và các chứng nhân, tác giả của tác phẩm mới.

Ông Huỳnh Tấn Mẫm (giữa) và các khách mời tại buổi giao lưu ra mắt sách Chúng ta đòi hòa bình

QUỲNH TRÂN

Tên đầy đủ của tập sách Chúng ta đòi hòa bình: Huỳnh Tấn Mẫm và phong trào yêu nước, tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn, 1969 - 1975 được Đoàn Yên Kiều thể hiện, là hồi ức tập thể của những thành viên nòng cốt phong trào yêu nước thanh niên, sinh viên, học sinh ở Sài Gòn giai đoạn 1969 - 1975, phản ánh về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Như lời tựa của tập sách khẳng định: “Phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh ở thành phố Sài Gòn và các đô thị miền Nam là khúc ca bi tráng của một giai đoạn lịch sử, được viết bằng máu và nước mắt của hàng vạn bạn trẻ đô thị miền Nam. Những con người từng bước qua cuộc đấu tranh đòi hòa bình luôn giữ lại trong phần sâu thẳm trong tim mình những hình ảnh không bao giờ quên. Họ có niềm khát khao được nghe lại, kể lại những khoảnh khắc lịch sử ấy để đi tiếp chặng cuối cuộc đời bằng niềm tự hào và tâm hồn thanh thoát vì đã làm tròn ý nguyện. Họ cũng muốn để lại cho con cháu những câu chuyện để biết thế hệ cha ông đã sống và tranh đấu cho đất nước…”.

Chọn thủ lĩnh Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1969 - 1971) làm trung tâm và thông qua những câu chuyện anh kể, cùng các đồng đội: chị Nguyễn Thị Yến - thủ quỹ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1969 - 1971), anh Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn (1970 - 1971), anh Lê Hoàng - Đoàn trưởng Đoàn Học sinh Sài Gòn (1971 - 1974), và nhiều góp ý, hỗ trợ từ các anh chị: Nguyễn Hoàng Trúc, Tôn Thất Lập, Vũ Thị Dung, Phan Nguyệt Quờn, Cao Thị Quế Hương, Ngô Đa, Trương Anh Dũng, Nguyễn Văn Vĩnh, Lâm Thành Quý, Lê Ngọc Tú..., khúc tráng ca Chúng ta đòi hòa bình nhờ thế mà hiện lên sống động về một thời thanh xuân các anh chị đã tận hiến cho tổ quốc, giữa lằn ranh sinh tử.

Tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Yến, thủ quỹ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhớ lại những ngày tháng sinh viên cả miền Nam dậy sóng. Khi ấy bà còn là một nữ sinh Văn khoa học giỏi, xinh đẹp “đặc biệt là khả năng tổ chức vận động cực tốt nên nhanh chóng trở thành nhân tố quan trọng trong hoạt động công khai của phong trào”. Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1969 - 1971) Huỳnh Tấn Mẫm nhắc lại câu chuyện chiều 20.9.1971. “Khi tất cả nhà dân xung quanh Tổng vụ Thanh niên Phật tử số 294 Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đều bị nhân viên an ninh phục kích, nóc nhà nào cảnh sát cũng chiếm lĩnh sân thượng, tay ôm súng mặt đằng đằng sát khí. Các con hẻm quanh khu vực cảnh sát cũng tập trung đông nghẹt. Mọi sự xuất nhập tại Tổng vụ đều bị cô lập. Trong lúc nguy ngập, đồng đội Nguyễn Thị Yến của tôi đã nhanh trí gọi điện cho dân biểu Hồ Ngọc Nhuận kể tình hình. Không chần chừ, ông Nhuận nghĩ ngay trong lúc này chỉ có Nguyễn Cao Kỳ mới phá được vòng vây nên lái xe đi cầu kiến Phó tổng thống…”.

Các thanh niên trí thức dù tay không vũ khí nhưng ý chí mãnh liệt đã vượt qua lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, ma trắc…, những đòn tra tấn dã man cùng nhiều đòn mua chuộc, tâm lý chiến của kẻ thù. Khi “tam giác sắt” Nông Lâm Súc - Văn khoa - Dược khoa bị chính quyền phong tỏa, họ tạo “tam giác sắt” mới: Tổng hội Sinh viên - Trung tâm giáo dục Y khoa - Đại học xá Minh Mạng...

Theo ông Lê Hoàng: “Từ lời kể của Huỳnh Tấn Mẫm và bạn bè, cũng như từ nguồn tư liệu báo chí Sài Gòn còn để lại, bức tranh hoành tráng của một thời kỳ sôi động được khắc họa khá chân thật, sống động và đầy tình cảm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.