Khủng hoảng thị thực Mỹ khi lĩnh vực công nghệ cắt giảm việc làm

22/12/2022 07:59 GMT+7

Nhiều lao động nước ngoài , đặc biệt là từ châu Á, có khả năng phải rời khỏi Mỹ nếu không tìm được công việc và nhà tài trợ mới để duy trì thị thực H-1B, theo Nikkei Asia.

Zhou là chuyên gia khoa học dữ liệu tại Meta Platforms trước khi trở thành một trong hơn 11.000 nhân viên bị gã khổng lồ công nghệ Mỹ sa thải vào đầu tháng trước. Bằng thạc sĩ từ trường kỹ thuật hàng đầu của Mỹ và hơn 5 năm kinh nghiệm đã không giúp người đàn ông 30 tuổi tìm được một công việc mới, mặc dù anh đã tham gia hơn chục cuộc phỏng vấn trong hai tuần sau khi bị thôi việc.

Thời gian ngày càng gấp rút đối với Zhou, công dân Trung Quốc sống ở San Francisco Bay Area, vì thị thực làm việc H-1B của anh chỉ còn một năm, trong khi hồ sơ xin thường trú (thẻ xanh) vẫn chưa được chấp thuận. Điều đáng nói là khả năng duy trì tình trạng thị thực của Zhou phụ thuộc vào việc một chủ lao động nào đó có sẵn sàng tài trợ cho anh hay không. Sau khi công việc với Meta chính thức chấm dứt vào cuối tháng 1.2023, Zhou sẽ có 60 ngày để tìm công việc và nhà tài trợ mới.

“Không phải tất cả công ty đều sẵn sàng tài trợ cho bạn để có thẻ xanh ngay trong ngày đầu tiên. Nếu có trường hợp như vậy, tôi vẫn có thể không kịp nộp giấy tờ gia hạn H-1B để tiếp tục làm việc tại Mỹ”, Zhou nói với Nikkei. Nếu không có thị thực hợp lệ, Zhou có khả năng bị buộc phải rời khỏi đất nước anh đã sống trong 8 năm qua.

Lao động nhập cư có khả năng phải rời khỏi Mỹ nếu không tìm được công việc và nhà tài trợ mới để duy trì thị thực H-1B

Reuters

Câu chuyện trên chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp tương tự đang xảy ra với công dân nước ngoài làm việc tại Mỹ, giữa lúc các công ty công nghệ liên tục cắt giảm lực lượng lao động. H-1B là thị thực làm việc tạm thời chủ yếu được dùng bởi các hãng công nghệ để thuê người nhập cư có tay nghề cao. Người sở hữu thị thực này có 60 ngày để tìm chủ lao động mới nếu họ mất việc. Nhưng trên thực tế họ phải hành động nhanh hơn vì chưa tính thời gian cần thiết để xử lý việc chuyển thị thực H-1B.

Theo dữ liệu mới từ Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, Meta, Twitter và Amazon là những công ty công nghệ có nhiều lao động H-1B nhất, đồng thời cũng nằm trong số những công ty cắt giảm biên chế nhiều nhất. Twitter đã sa thải 3.700 nhân viên, trong khi Amazon có kế hoạch loại bỏ khoảng 10.000 người.

“Chúng tôi đang cung cấp các kênh hỗ trợ dành riêng cho bất kỳ nhân viên nào đang xin thị thực và có thể bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm”, người phát ngôn của Amazon nói.

Tuy nhiên, trước một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra và tình trạng sa thải hàng loạt trong toàn ngành công nghệ, việc tìm kiếm công việc mới sẽ là thách thức đối với ngay cả những người lao động có kinh nghiệm và trình độ học vấn cao. Theo layoffs.fyi, trang web theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, tổng cộng 930 công ty công nghệ đã sa thải 146.407 công nhân trong năm 2022, riêng tháng 11 có hơn 51.000 người.

“Người châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi làn sóng sa thải nhân viên công nghệ, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Tìm kiếm công việc mới cho những người cần tài trợ sẽ khó khăn hơn so với công dân Mỹ hoặc thường trú nhân. Không phải mọi công ty đều muốn làm điều đó vì phải chi thêm chi phí bổ sung”, Harley Lippman, Giám đốc điều hành công ty cung cấp nhân sự công nghệ Genesis10, nói.

Theo Rebecca Bernhard, luật sư về nhập cư và việc làm tại công ty luật quốc tế Dorsey & Whitney, chi phí trung bình của một đơn xin H-1B là hơn 5.000 USD cộng với các khoản phí pháp lý khác, tùy thuộc vào dịch vụ luật mà công ty thuê.

Big Tech Mỹ đang sa thải hàng nghìn nhân sự trong thời gian gần đây

Reuters

Sự phức tạp của hệ thống nhập cư Mỹ

Theo bà Tahmina Watson, tác giả cuốn sách Startup Visa, 60 ngày để tìm nhà tài trợ mới là “khoảng thời gian rất ngắn” đối với hầu hết mọi người; “Điều này đang tạo ra rất nhiều lo lắng và sợ hãi về những gì họ sẽ làm. Không phải chỉ là câu chuyện về một người bị sa thải, đó là vấn đề của gia đình họ, con cái đang đi học, vợ/chồng đang đi làm”.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với những người lao động bị sa thải đã ở Mỹ trong vài năm và có đơn xin thẻ xanh đang chờ xử lý. Họ phải làm lại toàn bộ quy trình đăng ký từ đầu khi, và nếu, họ tìm được một chủ lao động mới để tài trợ, và tùy thuộc vào khoảng thời gian còn lại trong tình trạng thị thực của họ.

Theo Rohit Biswas, luật sư di trú kinh doanh tại Kramer Levin Naftalis & Frankel, với sự phức tạp của hệ thống nhập cư Mỹ, ngay cả những người có thị thực H-1B chưa bị sa thải cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu một công ty sa thải nhân viên, bất kỳ đơn xin thẻ xanh nào mà công ty đó tài trợ sẽ bị tạm dừng cho đến khi công ty cho thấy rằng họ có nhu cầu nhân sự hợp pháp và không thể tìm đủ công dân Mỹ để lấp đầy chỗ trống.

Cơ hội trong cơn hỗn loạn

Yeon Me Kim, luật sư tại Grossman Young & Hammond, cho biết các công ty nhỏ hơn có cơ hội thuê nhân viên tay nghề cao từ những công ty lớn như Meta và Amazon để lại. “Những người lao động H-1B bị sa thải đang phải đối mặt với thời gian rất hạn chế để tìm chủ lao động mới bảo lãnh cho họ. Tôi nghĩ nếu họ có lời đề nghị, họ sẽ nhận lời, ngay cả khi đó là trên cơ sở ngắn hạn”.

Lao động bị sa thải chỉ có 60 ngày để tìm nhà tài trợ mới bảo lãnh thị thực

Chụp màn hình

Trong khi đó, bà Watson cho rằng những người khác thậm chí có thể bắt đầu hội thảo để giúp người lao động bị sa thải xây dựng công ty khởi nghiệp của riêng họ. “Nhiều người bị sa thải có thể phục vụ Big Tech từ bên ngoài nếu họ có công ty riêng. Đó là những gì đã diễn ra trong cuộc suy thoái năm 2008 - 2009”. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng Mỹ cần xúc tiến các kế hoạch đã bị trì hoãn từ lâu để cấp thị thực cho công dân nước ngoài thành lập công ty riêng.

Mỹ có nguy cơ “chảy máu chất xám”

“Chúng tôi đang gặp vấn đề trong việc thu hút nhân tài. Trong khi đó, các nước như Canada lại tích cực tuyển dụng để tăng cơ sở nhập cư của họ. Tôi nghĩ những người nhập cư tài năng đang tìm kiếm cơ hội ở tất cả các lựa chọn trên khắp thế giới, và thật không may, Mỹ không còn nhất thiết là điểm đến hàng đầu của họ nữa”, Steve Loehr, Giáo sư luật nhập cư tại Đại học Cornell, nói về tình hình nhân sự ở Mỹ.

“Tôi nghĩ việc sa thải còn tiếp tục trong một thời gian, nhưng các công ty sẽ sớm nhận ra vấn đề khi họ không hoàn thành được khối lượng công việc. Tôi dự đoán trong vòng một năm, sẽ có sự thiếu hụt lao động và bùng nổ tuyển dụng”, Giám đốc điều hành công ty cung cấp nhân sự công nghệ Genesis10 Harley Lippman nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.