Kích hoạt các thành phố không ngủ

04/04/2021 06:42 GMT+7

Nhiều địa phương đang bắt đầu dồn sức đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đêm , kỳ vọng “thắp sáng” du lịch sau hơn 1 năm u tối vì dịch bệnh.

 “Thắp sáng” kinh tế đêm

UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) vừa ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang by Night, dự kiến khai trương thí điểm từ ngày 30.4. Theo đó, chính quyền TP sẽ triển khai xây dựng thí điểm tổ chức kinh tế ban đêm tại khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường Bình Minh 4 - Bình Minh 10 - Bạch Đằng và đường 2 Tháng 9; đa dạng hóa hoạt động về đêm, vận động trung tâm Helio và các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên tuyến đường Bạch Đằng kéo dài thời gian hoạt động và nâng cấp tiện ích phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, Lê Thanh Nghị… Ngoài ra, các tụ điểm lớn sẽ tổ chức thêm các hoạt động giải trí, ẩm thực, show diễn phục vụ khách về đêm. Cùng với đó, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đang phối hợp các sở, ngành nghiên cứu cho phép tàu thủy du lịch nội địa được hoạt động đến 24 giờ; tăng thời gian hoạt động của bảo tàng, các điểm tham quan du lịch đến 21 giờ; tăng thêm hoạt động ở hai bờ sông Hàn…

Việc kích hoạt kinh tế đêm có ý nghĩa kích hoạt nền kinh tế dịch vụ du lịch hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới

GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Stellar Management

Đây là những bước đi đầu tiên cụ thể hóa quyết tâm thắp sáng kinh tế đêm của Đà Nẵng, sau khi xin cơ chế thí điểm phát triển kinh tế đêm đến 24 giờ hằng ngày để phát triển du lịch, từ cuối năm 2019. Lãnh đạo Đà Nẵng kỳ vọng việc tổ chức thí điểm chương trình Đà Nẵng về đêm sẽ khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của TP nói chung và Q.Hải Châu nói riêng để không chỉ hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, tăng sự trải nghiệm, phục vụ người dân và du khách, mà còn khởi động phát triển kinh tế đêm để góp phần khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng chọn dịp lễ 30.4 - 1.5 sắp tới làm đòn bẩy để khôi phục du lịch, Phú Quốc đang được đánh giá là điểm đến “hot” nhất mùa lễ này khi Tập đoàn Vingroup công bố chính thức khai trương Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center vào ngày 21.4 tới với quy mô hơn 1.000 ha. Trong đó Grand World - “thành phố không ngủ” sở hữu những dãy phố thương mại sầm uất, những lễ hội, vui chơi giải trí không ngừng nghỉ suốt 24 giờ/ngày. Giống với Đà Nẵng, cả chính quyền Phú Quốc và Tập đoàn Vingroup đều đặt niềm tin Phú Quốc United Center khi đi vào hoạt động sẽ đặt nền móng cho định hướng phát triển kinh tế đêm của Việt Nam nói chung và đánh dấu bước tiến, đưa Phú Quốc trở thành điểm đến quốc tế mới trên bản đồ du lịch thế giới.
Không chỉ các thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc tính tới chuyện kích hoạt chế độ “không ngủ”, nhiều tỉnh, thành như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Nghệ An... hay cả địa phương vùng cao như Lai Châu, Tuyên Quang cũng đang đẩy mạnh triển khai mô hình chợ đêm với những chiến lược bài bản, chuyên nghiệp.

Kích hoạt kinh tế đêm để tạo nguồn thu không nhỏ, góp phần hồi phục kinh tế sau đại dịch

Ảnh: Đậu Tiến Đạt - Lê Ngọc Thảo

“Liều doping” vực dậy kinh tế sau dịch

Một sản phẩm du lịch ban đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Đơn cử, kinh tế ban đêm đã tạo 66 tỉ bảng (khoảng 90 tỉ USD) doanh thu hằng năm, là ngành kinh tế đứng thứ 5 của Vương quốc Anh. Kinh tế ban đêm đóng góp hơn 10 tỉ USD cho TP không ngủ New York (Mỹ); và đó cũng chính là “giải pháp cấp cứu” được Trung Quốc triển khai từ giữa năm 2019 khi kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chính quyền Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm (hỗ trợ trực tiếp các hoạt động dịch vụ, kinh doanh từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau) tại một số TP lớn. Sau đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu giải pháp này.

Kinh tế đêm có những lợi ích phát triển có thể gây sửng sốt. Chẳng hạn, bình thường các thành phố tập trung thức ban ngày và ngủ ban đêm. Nếu san ra nền kinh tế đêm thì sẽ giảm áp lực đô thị. 1/3 thức ban đêm, 2/3 thức ban ngày. Khi đó, thành phố cũng nhẹ đi, bớt căng thẳng. Những thành phố văn minh bao giờ cũng có kinh tế ban đêm, có đô thị dưới đất, đường sá dưới đất, tự nhiên thành phố sẽ thông thoáng hẳn đi.

PGS-TS Trần Đình Thiên

Sau những bước đi chắc chắn, hiệu quả trong quá trình chống dịch, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều biện pháp để chuyển hóa những thành quả trên thành các lợi thế cạnh tranh để đón đầu du lịch, phát triển kinh tế. Chương trình “hộ chiếu vắc xin” đang được kích hoạt, Cục Hàng không đã trình kế hoạch chi tiết mở cửa bầu trời, các hãng hàng không sẵn sàng kế hoạch nối lại các đường bay thương mại quốc tế... Nếu triển khai thành công, kinh tế đêm được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp du lịch Việt Nam sẽ bứt phá.
GS Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục và tư vấn quốc tế Stellar Management, rất đồng tình khi Việt Nam kích hoạt các hoạt động kinh tế đêm đón khách du lịch hậu Covid-19. Tỏ ra sốt ruột, ông nói rằng phải làm nhanh và làm ngay để cho doanh nghiệp tái khởi động, hoạt động kinh tế dịch vụ du lịch sôi động trở lại. Việc kích hoạt kinh tế đêm có ý nghĩa kích hoạt nền kinh tế dịch vụ du lịch hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Theo GS Hà Tôn Vinh, trong khi các nước châu Âu phải phong tỏa, cách ly lần thứ 4 thì các hoạt động sinh hoạt của Việt Nam vẫn yên bình. Kinh tế đêm sẽ là giải pháp “chớp” thời cơ hậu Covid-19 để du lịch Việt Nam bứt phá, phát triển đẳng cấp, bền vững hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, người dân trong nước, giới nhân viên văn phòng... rất có nhu cầu được nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi trong bối cảnh suốt hơn 1 năm qua bị “trói chân” vì dịch bệnh. Do đó, kinh tế đêm phải được kích hoạt sớm hơn để phục vụ nguồn khách trong nước, khách nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là nguồn thu không nhỏ để kích hoạt dịch vụ, thương mại, hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Cần xây dựng mô hình chuyên nghiệp

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, nhấn mạnh cần hiểu rõ kinh tế ban đêm là một nền kinh tế có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác chứ không phải chỉ là những hoạt động kinh tế nối dài, chuyển sang từ ban ngày. Vì thế, để phát triển kinh tế ban đêm, cần xây dựng mô hình, nội hàm của nó một cách kỹ lưỡng, phải có cách xử sự rất bài bản, hiện đại, đẳng cấp.
“Cần có nhu cầu về đất đai, nhân lực, công nghệ, nhiều yếu tố đặc thù như ánh sáng, tiếng ồn, bảo đảm an toàn cho du khách, nhà đầu tư phải được phép kinh doanh thâu đêm... Phải có chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có”, ông Thiên đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng để hình thành kinh tế ban đêm cần phải bắt đầu từ chính sách. Không “giới nghiêm” giờ giấc đối với các hoạt động vui chơi về đêm. Tuy nhiên, cần có quy hoạch bài bản thành khu vực riêng phục vụ du khách hơn là để phát triển theo kiểu tự phát. Nếu chậm trễ, sẽ bị các TP du lịch những nước lân cận hút hết khách, trong nước bị các TP du lịch khác vượt mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.