Kích hoạt Việt Nam - Điểm đến an toàn

21/02/2020 07:16 GMT+7

Những thành tựu trong công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đang được cả thế giới công nhận.

Là quốc gia vừa được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao trong việc khống chế dịch Covid-19, tính tới hôm qua (20.2), đã có 15/16 người nhiễm vi rút tại Việt Nam được điều trị khỏi, xuất viện. Theo các chuyên gia, đây là tiền đề để kích hoạt chiến dịch Việt Nam - Điểm đến an toàn, khôi phục ngành du lịch sau dịch bệnh.

Những nơi “nguy hiểm” nhất vẫn an toàn

Kế hoạch truyền thông Việt Nam an toàn 

Sáng qua (20.2),  Tổng cục Du lịch kết hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị "Công tác phòng chống dịch bệnh, tình hình hoạt động du lịch và giải pháp ứng phó với dịch Covid-19”.
Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Du lịch thông tin ngành du lịch Việt Nam vừa xây dựng kế hoạch truyền thông “Việt Nam an toàn” nhằm tạo một chiến dịch truyền thông trong cả nước và toàn ngành du lịch, tạo sự ổn định, tạo đà phục hồi cho ngành du lịch sau khi kết thúc dịch Covid-19. Theo đó, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch xây dựng tiêu chí về “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm truyền thông phá bỏ rào cản tâm lý người dân, khách du lịch về việc không an toàn khi đi du lịch tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương. Song song, khôi phục hoạt động du lịch bình thường tại các địa phương, điểm đến không có dịch Covid-19 và xây dựng bản đồ số cung cấp thông tin chính xác về các vùng du lịch, điểm đến an toàn cho du khách trên ứng dụng dành cho thiết bị cầm tay thông minh.

Sáng qua (20.2), ngay sau thư “trấn an” du khách, đối tác, khẳng định điểm đến an toàn của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thì ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng đã gửi thư đến các đối tác, khách du lịch công bố Thừa Thiên-Huế là điểm đến an toàn, thân thiện. Trong thư, ông Thọ nhấn mạnh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Các điểm tham quan và trải nghiệm di sản cố đô Huế, làng cổ… vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các chương trình ưu đãi.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, đã chỉ đạo Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương để chuẩn bị điều kiện công bố hết dịch đối với các tỉnh đã đảm bảo đủ điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm dịch bệnh).
Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn ngay từ các điều kiện tự nhiên. “Thời tiết ấm áp trên cả nước, đặc biệt khí hậu ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt, khách du lịch đến Việt Nam không chỉ để cảm nhận sự an toàn mà còn để khỏe mạnh hơn, có những trải nghiệm thú vị. Tôi xin nhấn mạnh với toàn xã hội, không chỉ du khách mà cả với các nhà đầu tư, Việt Nam là môi trường kinh doanh, môi trường sống an toàn, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng”, Thủ tướng nói.
Chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh nhận định những thành tựu trong công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đang được cả thế giới công nhận. Đây là lợi thế và là “vũ khí” để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến thế giới. Muốn như vậy, bản thân người Việt phải giải tỏa tâm lý sợ hãi, phải nhìn nhận thực tế là hầu hết các điểm du lịch hiện nay an toàn.
“Ngay từ bây giờ, các địa phương, đặc biệt là các điểm nóng du lịch ngoài việc triển khai những biện pháp chống dịch, hoàn toàn có thể tiến hành nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện tới du khách toàn thế giới”, ông Khánh nói.

Điểm vui chơi, giải trí sẵn sàng đón khách

TP.HCM muốn vào top 5 điểm đến hàng đầu châu Á 

Ngày 20.2, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức hội nghị góp ý đề án “Xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030”. Chiến lược được Sở Du lịch TP đặt hàng Công ty Roland Berger - 1 trong 3 tập đoàn tư vấn chiến lược lớn và uy tín hàng đầu trên thế giới triển khai.
Đại diện Roland Berger cho biết chiến lược đã xác định tầm nhìn du lịch TP.HCM đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Việc thực hiện chiến lược một cách đúng đắn sẽ đưa TP.HCM vào top 20 điểm đến toàn cầu, top 5 điểm đến hàng đầu châu Á và top 4 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, cũng như cải thiện thời gian lưu trú của khách quốc tế và duy trì thời gian lưu trú khách nội địa. Để thực hiện tầm nhìn và những mục tiêu đặt ra ở trên, khung chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến 2030 bao gồm 5 chiến lược phát triển then chốt là: sản phẩm; thị trường; thương hiệu và marketing; cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ hỗ trợ; các nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng TP cần phải kết nối với các tỉnh lân cận như ĐBSCL để cùng nhau phát triển. “Trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM cần khai thác thêm các yếu tố nghệ thuật. Thành phố hiện mới có sản phẩm du lịch, sự kiện thời trang, ẩm thực trong khi các show du lịch nghệ thuật, các buổi biểu diễn tầm cỡ quốc tế chưa nhiều… Đặc biệt, TP.HCM cần đẩy mạnh khai thác kinh tế về đêm, đây là thế mạnh của thành phố khi có sẵn các khu, điểm du lịch hoạt động về khuya như: khu phố Tây, khu ẩm thực…”, ông Siêu góp ý.
H.Mai
Đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ, nhiều điểm đến, các doanh nghiệp phát triển du lịch cũng đã tự kích hoạt chiến dịch điểm đến an toàn bằng nhiều hoạt động phòng chống, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, sạch sẽ và hấp dẫn, thu hút du khách.
Hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực trong hệ sinh thái du lịch bao gồm các tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, resort, cảng hàng không quốc tế, Tập đoàn SunGroup đã triển khai quyết liệt và đồng bộ tất cả biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, các điểm vui chơi giải trí thuộc tổ hợp Sun World trên cả nước đều được thường xuyên phun khử khuẩn tại tất cả cabin cáp treo và các khu vực trong khu du lịch. Ngoài phát miễn phí khẩu trang, hệ thống Sun World trên toàn quốc đã đặt hàng nghìn chai dung dịch sát khuẩn tại các vị trí công cộng, nhà vệ sinh, quầy dịch vụ... phục vụ cán bộ công nhân viên và du khách.
Tại các sân bay, cảng biển do tập đoàn đầu tư, bên cạnh việc khuyến nghị nêu trên, công tác khử trùng, khử khuẩn phòng chống dịch cũng được triển khai rốt ráo, liên tục. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã tiến hành phun khử trùng và vệ sinh thường xuyên tại nhà ga và các khu vực công cộng khác. Còn tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, SunGroup đã triển khai quy trình đưa đón khách chặt chẽ, an toàn tối đa, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được xây dựng riêng và chưa từng có tại các sân bay nào của Việt Nam. Chuyến bay “giải cứu” người Việt Nam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 10.2 được triển khai đúng theo quy trình đó.
Tập đoàn cũng tiến hành phun xịt sát khuẩn trên toàn bộ hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng như tại Novotel Danang Premier Han River, Premier Village Danang Resort (Đà Nẵng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Hotel de la Coupole - MGallery (Lào Cai)... Tăng tần suất sát khuẩn lên 4 lần/ngày, đặc biệt tại các dụng cụ/thiết bị và đồ vật được sử dụng nhiều như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang...
“Hiện tại, chúng tôi có thể khẳng định hệ thống các điểm đến du lịch do Sun Group xây dựng, quản lý đều đang là những điểm đến an toàn, với các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện tích cực nhất”, đại diện SunGroup thông tin.
Tương tự, mô hình khách sạn chủ động phòng chống dịch của hệ thống khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Land cũng vừa được Sở Du lịch Khánh Hòa phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tổ chức kiểm tra và công nhận đây là mô hình điển hình cần khuyến khích nhân rộng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Phòng chống dịch của Vinpearl ở khu vực Nha Trang, cho biết: “Vinpearl hiện vẫn nỗ lực không ngừng để là điểm nghỉ dưỡng an toàn nhất cho sức khỏe của du khách. Hiện nay, khách Trung Quốc tại Vinpearl đã giảm và lượng du khách đến từ Hàn Quốc, Nga, Nhật chiếm tỷ trọng tăng dần. Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Vinpearl nói riêng cũng như du lịch Việt Nam nói chung vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Khảo sát tại một số doanh nghiệp du lịch cho thấy du khách các nước châu Âu, châu Mỹ khá bình tĩnh trước dịch bệnh. Các tour đến Việt Nam đặt từ năm ngoái không bị hủy. Tại các điểm đến, họ thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.