Kịch Phú Nhuận dựng lại 'Mẹ và người tình'

Hoàng Kim
Hoàng Kim
26/05/2020 06:28 GMT+7

Đêm 24.5, sân khấu Phú Nhuận đã công diễn suất đầu tiên vở kịch Mẹ và người tình (tác giả kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Hồng Vân), khán phòng đã có nhiều tràng cười lẫn pháo tay thú vị.

Đây là vở kịch từng đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc 2009 gây ấn tượng rất mạnh với người xem. Bây giờ nó được tái dựng khi bà bầu NSND Hồng Vân vừa ký hợp đồng mới với địa điểm cũ là Trung tâm văn hóa Phú Nhuận, cũng có nghĩa nó mở đầu cho một cuộc “làm mới” mà Hồng Vân đã quyết tâm. Nhiều năm qua, Phú Nhuận dựng khá nhiều vở kịch ma, ít chăm chút cho mảng kịch văn học và kịch tâm lý xã hội. Giờ Hồng Vân muốn khôi phục lại hai mảng kịch đó, trở lại với “thương hiệu” một thời.
Nói tiếng “làm mới” nhưng dựng lại vở cũ bởi Mẹ và người tình có bố cục vững chắc, nội dung rất thâm thúy. Câu chuyện áp đặt lẫn nhau, không tôn trọng ý nguyện của nhau, hình như trong gia đình nào cũng có. Cho nên hình ảnh bà Xuân (NSND Hồng Vân) có lẽ rất phổ biến. Bà góa chồng, một mình nuôi dạy bầy con, đầy bản lĩnh, nghị lực, nhưng mang luôn cả sự áp đặt. Đành rằng bà rất thương con, mong con giàu sang, hạnh phúc, nhưng bà chỉ lấy một công thức duy nhất ép nó, bất kể tư chất nó như thế nào. Một đứa ít tài năng thì bà bắt nó lấy vợ quyền thế, để lên chức viện trưởng, dù phải bị cắm sừng. Một đứa thích đi lính thì bà bắt nó kinh doanh, trở thành đại gia. Đứa thích làm diễn viên thì bà bắt nó du học để làm ông này bà nọ. Đứa yêu cô sinh viên sư phạm thì bà bắt nó cưới cô gái nhà giàu. Và tư tưởng của bà nhiễm vào đứa con gái đến nỗi nó phủ nhận cả người yêu dễ thương của nó.
Kịch Phú Nhuận dựng lại 'Mẹ và người tình'1

NSND Hồng Vân và Lê Lộc trong vở Mẹ và người tình

Một gia đình thoạt đầu nhìn vào thì rất hạnh phúc, nhưng cuối cùng bộ mặt giả dối ấy bị lật tung khi bà mẹ muốn tái giá với một ông giáo nghèo về hưu. Lũ con sợ mất danh dự, sợ bị chia tài sản, thế là bày đủ mọi cách ngăn cản, hãm hại mẹ. Giờ thì họ áp đặt mẹ y như mẹ đã từng áp đặt họ. Và họ còn công kích cả anh chị em của mình một cách tàn tệ. Hóa ra những cái tôi bị giấu kín, bị chèn ép, chỉ sống trong cái khuôn định sẵn, giả dối, rồi có ngày cũng bung ra, và trả đũa. Họ không hề hạnh phúc thật sự, chỉ là chịu đựng và cố làm ra vẻ mà thôi.
NSND Hồng Vân đóng lại vai ngày xưa của mình, nhưng với sự điềm tĩnh hơn, mềm mại hơn. Còn Hoàng Sơn trong vai ông giáo già hiền lành, chỉ tiếc là quá ít mảng miếng hài cho anh thi thố, vì anh là một cây hài có tiếng. Các vai diễn còn lại hầu như đều do những bạn trẻ sau này như Lê Lộc, Trịnh Duy Anh, Tuấn Dũng đảm trách, thậm chí có những bạn vừa tốt nghiệp hoặc đang học các lớp đào tạo của Hồng Vân. Chị mạnh dạn đưa lớp trẻ vào, và các bạn đã hoàn thành khá tốt vai diễn của mình. Điều cần trau chuốt thêm là đài từ của các bạn, nên tròn vành rõ chữ hơn, nhấn nhá tốt hơn thì những câu thoại đắt giá sẽ không bị trôi đi. Đây không phải là vở kịch sinh hoạt, mà nó là một vở chính kịch, cho nên nhiều câu thoại rất có giá trị.
Rất hoan nghênh tinh thần của Hồng Vân và các bạn trẻ, dám thử sức với cái khó, cái tử tế, và đã thấy thấp thoáng những triển vọng tốt đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.