Kinh hãi nhóm thanh niên ăn sống cá to bằng bắp chân

24/08/2020 20:27 GMT+7

Một chậu cá dọn ra, bên cạnh nhiều con cá chép vàng sống còn nhảy tanh tách có con cá to như bắp chân người lớn. Một thanh niên cầm con cá còn quẫy đuôi lên cắn cái 'rốp'. Cảnh ăn uống khiến người xem kinh hãi.

“Ăn uống gì như thời nguyên thủy”, “Đến con mèo nhà tôi nó cũng không dám ăn cá sống như vậy”, “Thanh niên bây giờ vì muốn nổi tiếng mà gì cũng dám làm”, đó là những bình luận phản đối cách ăn cá sống ghê rợn trong một video mới đăng tải của kênh Sa Pa TV. Trong video của kênh chuyên về ăn uống, du lịch, văn hóa Sa Pa và các tỉnh miền núi phía Bắc này, một nhóm thanh niên đi bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy. Họ trộn một số loại rau sống, gia vị, mù tạt, nước cốt chanh vào với nhau, sau đó thả những con cá còn sống nguyên vào trong chậu. Nhiều con cá to bằng 3 ngón tay, một bàn tay người lớn, có cả con cá sống to như bắp chân.

Những thanh niên ăn cá sống không thấy

Ảnh chụp màn hình

Văn hóa ăn cá sống của người Thái ở Sơn La?

Video ăn cá sống này gây chú ý khi nhóm thanh niên hả hê khi ăn món ăn họ nói là cá nhảy, có người cầm cả con cá sống còn quẫy đuôi, không cần bỏ thêm rau và gia vị cho lên miệng cắn, khi ăn thì liên tục khen “ngon”, “giòn”, “ngọt”, “món ăn truyền thống”. Cả chậu cá sống nhanh chóng được ăn hết. Tới con cá sống to bằng bắp chân, họ lấy con dao khứa một đường cạnh đầu con cá, rồi bưng cả hai tay cho lên miệng cắn rất hả hê. Ống kính cho thấy còn nhìn rõ bụng cá với máu, ruột lòi ra ngoài.

Con cá sống to như bắp chân được mang ra gặm

Ảnh chụp màn hình

Dưới video, hàng trăm bình luận phản đối cách làm video giống như chủ kênh. “Quay về thời nguyên thủy”, “ăn uống ghê rợn, phản khoa học”, “không thể cổ xuý cho thanh niên lối ăn uống man rợ như thế này”. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho biết sẽ bỏ theo dõi kênh nếu như tiếp tục có những video như thế này.
Đáng chú ý, trên nền tảng YouTube hiện nay có nhiều video miêu tả lại cảnh ăn cá sống, con cá còn quẫy tanh tách trong miệng người. Mới đây, cũng trên kênh Nhịp sống Tây Bắc cho thấy cả một nhóm người cùng cắt cổ cá trắm máu chảy ròng ròng để làm tiết canh cá trắm sau đó làm món cá nhảy để ăn sống. Chỉ có khác biệt, trong video này, con cá nhảy để làm món ăn nhỏ bằng hai đầu ngón tay, con cá không “siêu to” bằng cả bắp chân người.
Chiều 24.8, video ăn cá sống vẫn còn trên hệ thống. Chúng tôi liên lạc với anh Hoàng Hải, chủ kênh Sa Pa TV, anh Hải cho biết về video ăn cá sống trên là văn hóa của người Thái sống ở Sơn La, trong quá trình làm ruộng lúa bậc thang, họ bắt những con cá sống, cá chép, cá nhảy ở bên ruộng, sau đó ăn cùng rau sống, nước măng chua. Anh Hải cho hay “có người ăn con cá nhỏ, nhưng có người thích ăn con cá to hơn”

Người Sơn La tức giận

Chị Nguyễn Thị Mận, 33 tuổi, một người Sơn La đang làm việc tại Q.3, TP.HCM, cho biết cảm giác của chị rất phẫn nộ khi xem video ăn cá sống to bằng cả bắp chân người nhưng lại nói đó là văn hóa ăn uống của người dân tộc Thái ở Sơn La. “Tôi xem video trên và thấy rùng mình, ăn uống như thời nguyên thủy vậy. Không có người dân tộc Thái nào ở Sơn La ăn sống cả con cá to như bắp chân như vậy”, chị Mận nói.
Theo các chuyên gia y tế, ăn cá sống, cá tái có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khỏe, trong đó nguy cơ cao là nhiễm sán dây cá, hay còn gọi là sán dải cá, sán cá, tên khoa học là Diphyllobothrium latum. Loại sán dài nhất ký sinh ở người, chiều dài trung bình 3-10 m, có thể 20 m, đốt sán lên tới 3.000 - 4.000 đốt. Nếu nhiễm sán nhiều có thể có các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tắc ruột, nôn ói ra nhiều thước sán dẫn tới nghẹt thở, đôi khi còn gây trụy tim mạch.
  
“Ở Sơn La có cộng đồng người dân tộc Thái và một số ít người Mông có món cá nhảy. Nhưng đó là những con cá rất là nhỏ, còn tươi sống, được làm sạch, trước khi ăn được trộn với chanh, giấm, ớt, các loại hạt gia vị để khử mùi tanh, sau đó ăn cùng rất nhiều gia vị. Như vậy không hề rùng rợn và ghê như cảnh mấy thanh niên choai choai cầm cả con cá to sống như bắp chân để gặm nghiến ngấu”, chị Mận bày tỏ.
Không phải người dân Sơn La, anh Nguyễn Quang Tùng, 32 tuổi, trú đường Dương Quang Đông, P.5, Q.8, TP.HCM, người thường xuyên theo dõi các video ăn uống, văn hóa tại các vùng miền của Việt Nam cũng cảm thấy “rợn tóc gáy với màn ăn tươi nuốt sống những con cá to như bắp chân của nhóm thanh niên”. “Chúng tôi có cảm giác họ đang mạo danh văn hóa ăn uống truyền thống của người vùng cao, để câu view, thích được biết tới qua các video. Sáng tạo nội dung cần phải chân chính, không gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng”, anh Tùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.