Kích hoạt những thành phố không ngủ

19/03/2022 06:39 GMT+7

Cánh cổng du lịch rộng mở trở lại, nhiều địa phương đang bắt đầu dồn sức đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đêm , kỳ vọng “thắp sáng” du lịch sau hơn 2 năm u tối vì dịch bệnh.

"Đêm không ngủ vì tiền không bao giờ đủ"

Ngay trong ngày đầu tiên Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn du lịch trong điều kiện bình thường mới, thủ đô Hà Nội lập tức cho phép các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống hoạt động bình thường trở lại, không phải đóng cửa trước 21 giờ. Cùng với đó, hoạt động trên các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm; Khu bảo tồn cấp I - Khu phố cổ Hà Nội… thuộc địa bàn Q.Hoàn Kiếm cũng chính thức được khôi phục trở lại từ hôm qua (18.3).

“Khi mặt trời lặn ở Hà Nội, cũng là lúc Tạ Hiện lên đèn. Nếu bạn muốn thực sự hòa mình vào nhịp sống của thành phố này, đặc biệt là văn hóa của người dân, hãy đi bộ vào các con phố nhỏ, ngồi ghế nhựa và uống một cốc bia lạnh”. Phần mở đầu video mà CNN Travel giới thiệu về Tạ Hiện, phố bia sầm uất về đêm Hà Nội, một lần nữa được tái hiện sinh động trong ngày đầu tiên Hà Nội gỡ “lệnh cấm sau 21 giờ”. 22 giờ ngày 15.3, Tạ Hiện vẫn rực rỡ sáng đèn từ các hàng quán. Khách đông nườm nượp, hầu hết các bàn đều không còn chỗ trống. Trước dịch, mỗi ngày, “góc phố bia” Tạ Hiện thu hút cả chục ngàn lượt khách tới thưởng thức bia, vui chơi, xôm tụ đến mức những người bán hàng ở đây thường đùa: “Đêm không ngủ vì tiền không bao giờ là đủ”. Tương tự, hàng dài các quán ăn, quán cà phê dọc các phố Lương Ngọc Quyến, Phùng Hưng, Tống Duy Tân… nhộn nhịp khách tới tận nửa đêm.

“Kinh tế đêm sẽ là giải pháp chớp thời cơ hậu Covid-19 để du lịch Việt Nam bứt phá, phát triển đẳng cấp, bền vững hơn trong tương lai. Việc kích hoạt kinh tế đêm có ý nghĩa kích hoạt nền kinh tế dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, mang về nguồn thu không nhỏ để kích hoạt dịch vụ, thương mại, hồi phục kinh tế sau đại dịch”.

Ông Huỳnh Văn Sơn (Giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn)

“Trước đây, mỗi khi có bạn từ miền Nam ra hay đi du học nước ngoài về, tôi đều bảo: Muốn đi chơi xuyên màn đêm đúng không, Hà Nội! Vậy mà suốt 2 năm qua, chẳng có chỗ nào mà đi. Giờ thì tốt rồi, thấy hàng quán sáng đèn, cảm giác rõ ràng thủ đô đã hồi sinh”, Vũ Thảo (29 tuổi, ngụ Hà Nội) hào hứng nâng ly cùng hội bạn tại Tạ Hiện tối 16.3.

Không chịu kém cạnh, TP.HCM cũng đang tăng tốc khẳng định thương hiệu “thành phố không ngủ” với một loạt dự án chợ đêm, phố đi bộ được ra mắt ngay sau khi mở lại các hoạt động kinh tế. Là địa phương đầu tiên trên cả nước kích hoạt lại du lịch ngay trong đại dịch, lãnh đạo H.Cần Giờ đã chớp cơ hội định hướng phát triển thật mạnh các hoạt động du lịch, giải trí về đêm. Cuối tháng 10.2021, lãnh đạo H.Cần Giờ đề xuất UBND TP.HCM chủ trương tổ chức chợ đêm Cần Giờ với kỳ vọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế về đêm, tạo địa điểm vui chơi, mua sắm cho người dân trên địa bàn và thu hút khách du lịch.

Khu vực trung tâm TP, UBND Q.11 cũng vừa triển khai kế hoạch tổ chức phố đi bộ và khu ẩm thực đêm tại tuyến đường Hà Tôn Quyền (thuộc P.4 và P.6). Du khách, người dân có thể tham quan, ăn uống hoặc mua sắm trong khung giờ 16 - 22 giờ thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để “thắp sáng” được nền kinh tế ban đêm sau đại dịch Covid-19, TP sẽ tập trung hoàn thiện và nâng chất các loại hình dịch vụ giải trí về đêm trong thời gian tới. Cụ thể, ngành du lịch sẽ nâng chất lượng về nhân sự, về dịch vụ đạt chuẩn; đảm bảo công tác an toàn và an ninh cho các hoạt động giải trí về đêm. Đồng thời tập trung truyền thông, quảng bá về giải trí về đêm đến với các nhóm thị trường khách mục tiêu; tăng các hoạt động nghệ thuật về đêm phục vụ du khách.

Trên khắp cả nước, từ Đà Nẵng, Phú Quốc tới Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An... hay cả vùng cao như Lai Châu, Tuyên Quang cũng đều đang đẩy mạnh triển khai mô hình chợ đêm với những chiến lược bài bản, chuyên nghiệp.

Các khu vui chơi, ăn uống tại Hà Nội, TP.HCM đông khách trở lại. Kích hoạt kinh tế đêm để tạo nguồn thu không nhỏ, góp phần hồi phục kinh tế sau đại dịch

Ngọc Dương - Đậu Tiến Đạt

Cú hích vực dậy kinh tế

Một sản phẩm du lịch ban đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND H.Cần Giờ, tính toán hiện nay hoạt động kinh tế của H.Cần Giờ chủ yếu diễn ra vào ban ngày, chỉ có khoảng 3 - 4% khách đến và ở lại ban đêm. Vì thế, mức chi tiêu chỉ khoảng 500.000 đồng/người/ngày. Chợ đêm Cần Giờ đi vào hoạt động sẽ là cú hích cho các mô hình cộng sinh khác, từ đó giữ chân du khách qua đêm và chi tiền.

Góp ý cho dự án chợ đêm Cần Giờ, đồng thời cũng đang sở hữu loạt hệ thống chợ đêm tại Phú Quốc, Bến Tre, Vũng Tàu…, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn, khẳng định kinh tế đêm là một mỏ vàng. Theo số liệu thống kê năm 2019 - giai đoạn vàng của du lịch Việt Nam, chợ đêm Phú Quốc trung bình mỗi đêm thu hút tới 3.500 khách, chi tiêu bình quân 150 USD/người. Tính ra, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc hơn 10 tỉ đồng. Chưa kể, giá trị bất động sản và giá trị dịch vụ xung quanh chợ đêm này trong bán kính 1 km đã tăng lên 300%; tiểu thương, người dân hưởng lợi lớn.

“Trước đây người dân cho thuê nhà 8 triệu đồng thì sau khi có chợ đêm, giá thuê lên 40 triệu đồng/tháng, chưa kể phía trước nhà còn cho 2 xe đẩy thuê bán hàng, mỗi xe 15 triệu đồng. Chợ đêm không chỉ là điểm đến cho du khách vui chơi mà còn là mỏ vàng cho địa phương”, ông Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, cả người dân trong nước và du khách quốc tế đều đang có nhu cầu rất cao được nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi sau 2 năm bị “trói chân” vì dịch bệnh. Tết Nguyên đán vừa qua, loạt điểm đến tưng bừng đón khách, chợ đêm Dương Đông tối nào cũng đông nghẹt… cho thấy nhu cầu di chuyển, du lịch đang lớn hơn bao giờ hết.

Du khách dạo chơi ở phố Tây Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) tối 18.3

Ngọc Dương

Thận trọng lộ trình, đánh trúng thị hiếu du khách

Khẳng định phát triển được kinh tế đêm sẽ thúc đẩy rất lớn tốc độ hồi phục của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ rõ hiện nay khách du lịch đến Việt Nam chỉ dành 30% chi tiêu để vui chơi giải trí, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 40 - 50%. Chúng ta còn rất nhiều dư địa và việc phải làm để khai thác hiệu quả khu vực kinh tế đêm.

Tuy vậy, ông Lực lưu ý hiện nay về cơ bản Việt Nam đã mở cửa du lịch cả trong nước và quốc tế, song vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo nghị quyết mà Chính phủ vừa ban hành. Do đó, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, kinh tế đêm có thể tiến hành nhưng phải cân nhắc có lộ trình mở từ từ, không thể lập tức mở bung, mở toang không kiểm soát. Bên cạnh đó, phải có bước thăm dò, tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng để xây dựng những sản phẩm dịch vụ phù hợp, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa đánh trúng được nhu cầu của du khách.

“Các địa phương cần cân nhắc phát triển kinh tế đêm theo lộ trình từng bước phù hợp. Có thể triển khai trước tại một số địa phương đang có tiềm năng lớn, sau đó khi du lịch thật sự trở lại như trước sẽ tiếp tục mở rộng thêm. Nếu dục tốc mở ồ ạt, chỉ chăm chăm mở những cái mình đang có thì sẽ dẫn tới lãng phí khi không có khách, gây những hệ lụy tiêu cực về an ninh, an toàn, vệ sinh…, làm méo mó hình ảnh kinh tế đêm của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực đề xuất.

Đồng tình, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietnam Travelmart, đánh giá Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tái cấu trúc hệ thống dịch vụ, đa dạng hóa thêm các sản phẩm du lịch về đêm. Tuy nhiên, chắc chắn chưa thể có sự phục hồi ồ ạt của các nguồn khách. Vì vậy, các địa phương và DN nên cân nhắc cẩn thận việc mở cửa trở lại các dịch vụ vui chơi giải trí, các hoạt động về đêm. Cần lên kế hoạch cụ thể và xây dựng lộ trình gắn với khả năng phục hồi nguồn khách để tránh lãng phí nguồn lực, DN kinh doanh có hiệu quả, nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.