Kinh tế toàn cầu 'sốt' theo viêm phổi Vũ Hán

Khánh An
Khánh An
05/02/2020 08:30 GMT+7

Chủng vi rút Corona mới (nCoV) bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến khó lường gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, kèm theo nhiều dự báo khác nhau về tác động.

Tờ The Wall Street Journal ngày 4.2 đưa tin dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan tại Trung Quốc và nhiều nước đang tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Diễn biến khó lường của dịch bệnh đang ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, gây áp lực lên giá tài sản và buộc nhiều tập đoàn đa quốc gia phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Chính phủ Mỹ và nhiều nước ở châu Âu, châu Á đang áp dụng quy định ngăn công dân Trung Quốc nhập cảnh và kiểm tra sức khỏe những công dân trở về, trong khi nhiều hãng hàng không lớn tạm dừng các chuyến bay đến nước này và nhiều công ty đưa giới lãnh đạo chủ chốt về nước.

[VIDEO] 492 người chết, gần 24.600 ca nhiễm vi rút corona toàn cầu

Phép thử cho nhiều nước
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch viêm phổi bùng phát tại Trung Quốc là sự gia tăng áp lực ngoài dự kiến, đồng thời là phép thử đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc ở vai trò tiêu dùng và khả năng Mỹ vươn lên khi đối thủ cạnh tranh đang chững lại.
Kinh tế toàn cầu “sốt” theo viêm phổi

Nhiều cửa hàng tại Thượng Hải, Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh

Ảnh: Reuters

Luật sư Rachel Conn tại Công ty luật Nixon Peabody (Mỹ) kể rằng nhiều khách hàng gọi nhờ ông tư vấn về việc các nhân viên lo ngại vì họ chưa từng đối phó với tình huống như hiện tại.
Hãng Apple mới đây cho biết sẽ đóng cửa các cửa hàng và văn phòng tại Trung Quốc đến ngày 9.2, ảnh hưởng đến khoảng 10.000 nhân viên tại nước này. Hãng Levi Strauss & Co. (Mỹ) hồi tháng 10.2019 mở cửa hàng lớn nhất Trung Quốc tại Vũ Hán, và là một trong nhiều thương hiệu lớn phải tạm dừng hoạt động hàng ngàn cửa hàng tại nước này, trong đó có McDonald và Starbucks.

Bác sĩ Chợ Rẫy chữa bệnh do virus corona khác thế giới ra sao?

Nhiều biện pháp hỗ trợ 

Hãng Reuters ngày 4.2 đưa tin giới chức Trung Quốc đang chuẩn bị nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều nguồn tin cho biết chính phủ đang thảo luận việc giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2020. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng có thể giảm lãi suất cho vay vào ngày 20.2 và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vài tuần tới. “Hiện tại, chính sách tiền tệ đang được nới lỏng, nhưng ngân hàng trung ương sẽ theo phương thức từng bước một và theo dõi tình hình vi rút”, một nguồn tin cho biết.
Trước đó, PBOC đã bơm hàng tỉ USD vào hệ thống tài chính nhằm phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư. Theo các nguồn tin, giới chức Trung Quốc có thể tiếp tục tăng thêm khoản chi này, giảm thuế và trợ cấp các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như bán lẻ, giao nhận, giao thông và du lịch.
Nhiều nhà máy ở Trung Quốc dự kiến gia hạn kỳ nghỉ tết thêm vài tuần nên có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các hãng như Apple, Tesla và Anheuser-Busch InBev SA.
Nhu cầu dầu thô giảm kéo theo giá giảm 16% kể từ khi Trung Quốc công bố vi rút Corona mới khiến Ả Rập Xê Út triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm OPEC và cân nhắc giảm sản lượng.
Liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tờ South China Morning Post dẫn lời giới quan sát dự báo dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vòng đàm phán song phương cùng việc áp dụng thỏa thuận giai đoạn 1.
Trước việc nhiều nước giới hạn nhập cảnh và hãng hàng không hủy chuyến, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là phản ứng thái quá và có thể làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Trong khi đó, một quan chức tại Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) chỉ ra những yếu tố căn bản vững chắc của nền kinh tế nước này và dự báo bất cứ sự suy yếu nào cũng sẽ “ngắn ngủi và tạm thời”.

Tâm sự của những bác sĩ trong tâm dịch virus corona ở Việt Nam

Những kịch bản ảnh hưởng

Theo dự báo của Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ), dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ là gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả trong công tác khống chế tại Trung Quốc và các nước.
Tờ Financial Times dẫn dự báo của Goldman Sachs cho rằng GDP toàn cầu sẽ giảm mức tăng trưởng ít nhất 0,1 - 0,2% trong năm 2020 nếu mức độ lây lan chậm lại đáng kể trong tháng 2 và tháng 3 nhờ các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc.
Theo đó, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 3,25% trong năm nay so với 3,1% trong năm ngoái. Kịch bản nghiêm trọng hơn, dựa trên khả năng dịch bệnh chưa đạt đỉnh trong quý 1, dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 0,3% so với mức tăng dự kiến. Goldman Sachs dự báo thiệt hại chủ yếu xảy ra trong quý 1, ảnh hưởng đến 2% trong tăng trưởng toàn cầu trong đó 1% từ nền kinh tế Trung Quốc.
Dự báo nền kinh tế nhiều nước sẽ chịu tác động do Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ và mức chi của du khách Trung Quốc ở nhiều nơi cũng giảm, đáng chú ý nhất là tại Hồng Kông và Thái Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.