Kon Tum: Tiền hỗ trợ thiên tai sau 2 năm vẫn không đến tay người dân

22/11/2020 10:50 GMT+7

Dù huyện đã xuất kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai từ năm 2018, tuy nhiên đến nay xã Đăk Ang (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) vẫn không chi trả số tiền này cho người dân.

Không nhận được hỗ trợ

Trong năm 2018, hàng trăm hộ dân trên địa bàn H.Ngọc Hồi bị thiệt hại do thiên tai. Trước tình hình đó, UBND H.Ngọc Hồi đã cấp hơn 530 triệu đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh tế. 
Tháng 12.2018, Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Ngọc Hồi đã lập thủ tục chuyển số tiền này về các xã. UBND huyện yêu cầu các xã thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức quy định cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời UBND các xã phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được giao đúng mục đích và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định. Theo thống kê, xã Đăk Ang được UBND huyện phê duyệt cấp 170 triệu đồng.
Dù được UBND huyện chỉ đạo phải hỗ trợ người dân kịp thời tuy nhiên đến hiện nay hàng chục hộ dân tại thôn Long Dôn vẫn chưa hề nhận được bất cứ 1 khoản hỗ trợ nào.
Bà Y Rinh (thôn Long Dôn) cho biết, năm 2018 do ảnh hưởng của mưa bão gia đình bà bị sạt lở 5 sào đất trồng mì. Dù đã kê khai thiệt hại với thôn nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Theo bà Y Hdin - Trưởng thôn Long Dôn, sau một trận bão vào năm 2018, UBND xã đã yêu cầu bà thống kê các hộ bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, đến nay người dân trong thôn vẫn không hề được hỗ trợ bất cứ 1 khoản tiền nào. Thậm chí, theo bà Y Hdin, trong nhiều năm qua, dù bị thiệt hại do bão rất nhiều nhưng chưa năm nào thôn được hỗ trợ kinh phí.
“Chúng tôi cứ nghĩ lập danh sách lên để xã, huyện nắm về thiệt hại chứ không biết sẽ được hỗ trợ kinh phí. Trong các năm qua, người dân trong thôn không hề nhận được bất cứ khoản nào hỗ trợ thiệt hại do bão lũ. Vì nếu được hỗ trợ thì xã phải thông qua thôn để thông báo đến người dân”, bà Y Hdin khẳng định.
Bà Y Hdin -  Trưởng thôn Long Dôn cho biết nhiều năm qua người dân trong thôn này không hề được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai

Ảnh: ĐỨC NHẬT

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Thất, Chủ tịch UBND xã trên cho biết vì mới về đảm nhận chức vụ chủ tịch xã vài tháng nên không nắm được sự việc. Bên cạnh đó, bà Lê Thị Việt, kế toán phụ trách việc chi trả tiền hỗ trợ đã không đi làm khoảng 1 tháng nay. UBND xã đã triệu tập 2 lần nhưng bà Việt không lên làm việc. “Việc chi trả cho người dân bao nhiêu, như thế nào thì tôi mới nhận chức nên không nắm được. Việc rút tiền, thực hiện chi trả là thuộc về kế toán và chủ tịch xã cũ”, ông Thất nói và cho biết thêm, qua kiểm tra ngày 28.1.2019 số tiền hỗ trợ nói trên đã được rút hết. Thời điểm đó ông Thất là Phó chủ tịch UBND xã.
"Tôi chỉ ký danh sách đề nghị hỗ trợ, còn rút tiền khi nào, ai giữ hay sử dụng vào việc gì thì tôi không biết cụ thể. UBND xã sẽ cho kiểm tra cụ thể vụ việc,” ông Nguyễn Ngọc Thất khẳng định.
Trong khi đó, ông A Pháo, nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk Ang cho hay vì đã chuyển công tác sang làm Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã từ tháng 5.2020 nên phải liên hệ với kế toán để kiểm tra lại xem đã cấp chưa. “Tôi nhớ sơ sơ là đã cấp rồi. Dân ở đây phản ánh không đúng, họ nói lung tung. Nếu đã được phân bổ mà chưa cấp cho bà con là sai hoàn toàn”, ông A Pháo nói.

“Đi lạc” vào danh sách nhận hỗ trợ

Từ danh sách các hộ dân được hỗ trợ do thiên tai, phóng viên Báo Thanh Niên đã tìm về thôn Long Dôn để tìm hiểu công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân.
Có tên trong danh sách được hỗ trợ 6 triệu đồng vì mất 1 con bò do thiên tai, bà Y Đan (thôn Long Dôn) tỏ ra khá bất ngờ bởi từ năm 2017, nhà bà đã bán 2 con bò để trả tiền ngân hàng. Sau đó, bà Y Đan không nuôi bò nữa, cũng không có con bò nào bị mất, chết do thiên tai.
“Đây là lần đầu tiên tôi nghe mình có tên trong danh sách được hỗ trợ 6 triệu đồng do mất bò. Thực tế từ năm 2017 nhà tôi không nuôi bò nên không thể có bò bị mất, chết. Khoản tiền 6 triệu đồng tôi không hề được biết cũng chưa hề được nhận”, bà Y Đan nói.

Bà Y Đan khá bất ngờ khi nghe mình có tên trong danh sách được hỗ trợ vì mất bò. Bà không có bò bị mất, cũng không hề nhận tiền hỗ trợ như trong danh sách 

Ảnh: ĐỨC NHẬT

Tương tự, bà Y Dủ (thôn Long Dôn) cũng khá bất ngờ khi “đi lạc” vào danh sách được hỗ trợ 6 triệu đồng do có 1 con bò bị thiệt hại năm 2018. “Tôi thấy rất lạ, bất ngờ, thắc mắc là tại sao lại có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ vì gia đình tôi không hề có bò. Mấy năm nay, gia đình tôi cũng chưa nhận được hỗ trợ gì từ xã.”, bà Y Dủ nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thất, danh sách các hộ bị thiệt hại do thiên tai năm 2018 là do ông ký trình cấp trên. Nhưng trước khi ký, cán bộ xã và thôn đã đi thực tế xác minh thiệt hại của người dân và trình danh sách lên để ông ký.
“Việc không bị thiệt hại mà vẫn có tên là do cán bộ phụ trách và ban ngành đoàn thể của thôn. Tôi căn cứ vào biên bản đó để ký trình lên UBND huyện thôi”, ông Thất nói.
Trong khi đó, ông A Dư, cán bộ trực tiếp xác minh, tổng hợp cho hay năm 2018 ông mới về nhận công tác, cấp trên lại yêu cầu thống kê gấp nên lấy danh sách bị thiệt hại của thôn rồi tổng hợp. Trong số danh sách này, ông đi kiểm tra “ngẫu nhiên” một vài trường hợp thì thấy thiệt hại đúng như thôn báo lên. Ông Dư cũng thừa nhận việc làm như vậy là có thiếu sót, nhưng nếu đi kiểm tra hết từng hộ thì sẽ không có thời gian.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết đã chỉ đạo Thanh tra huyện bổ sung, thanh tra toàn diện các vấn đề tại UBND xã Đắk Ang. Trong đó sẽ tập trung làm rõ có hay không việc chậm chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người dân bị ảnh hưởng.
“Chưa thể kết luận xã có ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân hay không. Phải chờ kết quả thanh tra, xem hành vi cụ thể như thế nào mới có thể biết được”, ông Tường nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.