Kỳ 3: 'Hóng hớt' đời tư nghệ sĩ: Báo động về hành vi xâm phạm đời tư

01/04/2022 09:16 GMT+7

Xoay quanh việc dân mạng đổ xô vào việc 'hóng hớt' đời tư của nghệ sĩ, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM).

Một bộ phận dân mạng hiện nay có thói quen 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ. Theo bà, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Không chỉ riêng chuyện của người nổi tiếng, chuyện cá nhân riêng tư của bất kỳ ai lúc nào cũng gây cho người ta cảm giác tò mò, thích thú, muốn được biết cho tỏ tường. Tuy nhiên với nghệ sĩ, người của công chúng, thường được nhiều người quan niệm đó là hình mẫu lý tưởng, nên chuyện riêng tư của người nổi tiếng cũng nhận được nhiều quan tâm hơn.

Dân mạng, đặc biệt là người trẻ có sở thích... 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ

Một nguyên nhân khác nữa, là nhiều người mặc định suy nghĩ, rằng nếu biết nhiều chuyện bí mật của nghệ sĩ sẽ giúp họ nắm bắt "trend" (xu hướng) nhanh hơn. Chưa kể, một bộ phận dân mạng sợ "lạc khỏi đám đông", bị cho là "tối cổ" (cụm từ dùng để chỉ việc bỏ lỡ, không nắm bắt kịp các sự kiện đang xảy ra) nên tự buộc bản thân cũng cần có thói quen 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ. Họ phải cập nhật những chuyện đang 'hot' của người nổi tiếng, "kiến thức của showbiz" để cho giống với đồng nghiệp, bạn bè. Có thể thấy đó là sự lây lan tâm lý, bắt chước và tính ‘bầy đàn’.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu

NVCC

Và trong những cuộc 'hóng hớt' ấy, cùng lúc có rất nhiều người đổ xô tìm kiếm thông tin đời tư của nghệ sĩ. Nên dân mạng lầm tưởng đó là cuộc thi ai nhanh hơn. Họ cứ nghĩ nếu ai tìm kiếm nhanh hơn sẽ có cảm giác như người thắng cuộc. Chính cảm giác chiến thắng ảo dễ làm cho nhiều người lao vào tìm kiếm, đào bới thông tin nghệ sĩ một cách bất chấp.

Nghệ sĩ hãy luôn chuẩn mực!

Cũng theo bà Lưu, nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng và được nhiều người quan tâm nên tất cả những gì liên quan đến nghệ sĩ đều được cộng đồng chú ý, trong đó chuyện đời tư là được quan tâm nhất. Người thương nhiều và người ghét không ít, nghệ sĩ cũng cần có những chuẩn mực và biết cách giữ hình tượng bản thân thật tốt. Nhiều người quan niệm, nghệ sĩ phải hoàn hảo, nghệ sĩ phải tốt đẹp, phải đúng kì vọng của người hâm mộ và người hâm mộ có quyền được biết mọi thứ nghệ sĩ làm. Đó là áp lực mà người nổi tiếng phải đối diện. Chấp nhận làm người của công chúng thì nghệ sĩ cũng cần phải làm quen với điều này. Hãy lưu ý rằng, lúc nào hành động, lời nói của nghệ sĩ cũng đang được dân mạng “để mắt” và hãy cẩn trọng. Dân mạng cho nghệ sĩ sự nổi tiếng, và cũng chính dân mạng có thể lấy đi sự nổi tiếng ấy bất kỳ lúc nào. Vì thế, nghệ sĩ hãy luôn chuẩn mực nhất có thể!

Không những 'hóng hớt', dân mạng còn bình phẩm nghệ sĩ với những câu từ khó nghe. Bà nói gì về những hành vi này?

Qua quan sát, không khó nhận ra nhiều người 'hóng hớt' có những lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí xúc phạm người khác. Đó là hành vi đáng lên án. Họ bao biện cho rằng những lời bình phẩm trên mạng hoàn toàn vô hại, không ảnh hưởng gì đến bản thân. Tuy nhiên, thực chất nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đôi lúc, tưởng chừng là lời nói vô tình, những bình luận cho “đã cái nư” của bản thân nhưng sẽ để lại ấn tượng thiếu tốt đẹp về bản thân. Thậm chí là vi phạm pháp luật nếu xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Đó là còn chưa kể đến, những người nổi tiếng luôn có lượng người hâm mộ không nhỏ. Nếu bình phẩm thần tượng của họ, họ cùng nhau “khủng bố” ngược lại thì những tranh cãi sẽ không bao giờ có hồi kết.

Theo bà, việc đổ xô vào chuyện 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ liệu sẽ gặp hệ lụy gì trong cuộc sống?

Hệ lụy dễ thấy nhất là mất nhiều thời gian và sự quan tâm đến những chuyện không liên quan đến bản thân. Từ đó dẫn đến việc thiếu tập trung, chểnh mảng trong công việc, học tập. Thay vào đó, có thể sử dụng thời gian ấy làm được nhiều việc có ích và ý nghĩa hơn.

Một hệ lụy khác, là dễ hình thành văn hóa sử dụng mạng xã hội thiếu văn minh khi mải miết bình luận thô lỗ, cộc cằn, tham gia vào việc "ném đá hội đồng" người khác, suốt ngày chì chiết, chửi bới làm tổn thương người khác... Hơn nữa, dần dần sẽ chỉ tập trung vào những điều tiêu cực của nghệ sĩ mà không nhìn thấy những giá trị tốt đẹp khác.

Nghiêm trọng hơn, có thể bị khởi kiện nếu xâm phạm vào đời tư của người khác quá mức.

Bà có chia sẻ gì với những người có thói quen 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ?

Trong cuộc sống, thường thì ai cũng có cho mình những thần tượng là nghệ sĩ. Yêu mến họ, quan tâm họ, tìm hiểu về họ. Nhưng mọi thứ nên chừng mực, có điểm dừng. Phải biết phân biệt giữa quan tâm và soi mói. Nếu hành vi vượt quá giới hạn sẽ luôn đem lại những hậu quả nghiêm trọng. Cứ mải mê đào bới thông tin về đời tư người khác, về đời tư nghệ sĩ là điều tối kỵ. Sự quan tâm quá mức của cộng đồng mạng vào đời tư nghệ sĩ chính là một hồi chuông đáng báo động về văn hóa 'hóng hớt'.

Mỗi cá nhân, nhất là người trẻ có thể "di dời" sự chú ý đến những sự kiện khác ý nghĩa hơn, nhân văn hơn như những câu chuyện đẹp, những điều tích cực về cuộc sống. Hoặc chúng ta có thể quan tâm hơn đến những thông tin bổ ích cho học tập, việc làm... thay vì chỉ tập trung chăm chăm dòm ngó vào đời tư của người khác, của giới nghệ sĩ. Ai cũng cần được tôn trọng những không gian riêng tư của chính mình, nghệ sĩ cũng thế.

Và hãy là người sử dụng mạng xã hội có văn hóa bằng cách ứng xử lịch sự, văn minh, sử dụng lời lẽ bình luận đúng chuẩn mực.

Bà có đề xuất gì để chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi 'hóng hớt' đời tư nghệ sĩ?

Theo tôi, mỗi cá nhân cần ý thức, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, đừng lao vào những cuộc 'hóng hớt' đời tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp xử lý cụ thể đối với những trường hợp các fanpage, hội, nhóm hoặc cá nhân tung tin sai sự thật. Nếu có một bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng quy định thật cụ thể về các biện pháp xử phạt những hành vi xâm phạm đời tư người khác... thì có thể chấn chỉnh hiện tượng này. Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Tổ chức các buổi giáo dục nhận thức cho người trẻ về việc đảm bảo quyền riêng tư của người khác. Trong gia đình, bố mẹ, người lớn nên là những tấm gương cho trẻ noi theo...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.