Như Thanh Niên đã thông tin, cuối tháng 11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định kháng nghị mới nhất này sẽ thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao năm 2011.
Vụ án chấn động dư luận
Nội dung vụ án trong bản án phúc thẩm thể hiện, năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết 2 nữ nhân viên của Bưu điện (BĐ) Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An) là N.T.A.H và N.T.T.V. Khoảng 19 giờ 30 ngày 13.1.2008, Hải đến BĐ Cầu Voi, ngồi uống nước, nói chuyện với chị H., chị V. Đến 20 giờ 30, BĐ nghỉ, Hải đưa tiền cho chị V. đi mua trái cây về ăn. Khi chị V. đi, Hải nảy sinh ý định hiếp dâm H. nên kéo vào buồng, đẩy chị nằm ngửa xuống ghế (loại xếp).
|
Chị H. phản ứng, đạp vào bụng Hải, chạy về phía cầu thang khu vực bếp. Hải đuổi theo, chị H. kêu lên. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay, thớt đánh vào mặt, bóp cổ, lấy dao giết chị H. Lúc này chị V. đi mua trái cây về cũng bị Hải dùng ghế, dao sát hại. Sau đó, Hải lên phòng giao dịch, mở tủ lấy hơn 1 triệu đồng và một số tài sản, đồ nữ trang rồi bỏ trốn.
Theo bản án phúc thẩm, Hải mang một số nữ trang lên TP.HCM bán được 3,7 triệu đồng. Quần áo, dây thắt lưng mang khi gây án, Hải đem đốt ở vườn sau nhà một người tên Len để phi tang.
Bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”. Sau đó, Hải cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Loan và những người thân trong gia đình ròng rã kêu oan cho bị án, đề nghị hoãn thi hành án đối với Hải.
Hàng loạt mâu thuẫn không được làm rõ
Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao (gọi tắt là VKS), bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Đặc biệt, VKS đánh giá diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án. Theo lời khai của Hải và bản án, Hải dùng ghế đập đầu chị V. trên phòng khách rồi kéo, đặt đầu chị V. lên bụng nạn nhân H. để cắt cổ. Nhưng theo bản ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường thì chiếc ghế đó lại nằm dưới nền nhà, ngay sát cửa ra nhà tắm và nạn nhân V. gác chân lên chiếc ghế. Trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt, dấu vết đế dép và dính những hạt cơm khô đều là những dấu vết mới nhưng không được điều tra làm rõ. Mặt khác, ghế thu giữ được sau khi vụ án xảy ra hơn 2 tháng là một chiếc ghế có mã số khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.
Về thời gian gây án, theo VKS, cơ quan điều tra (CQĐT) chưa giải quyết triệt để những mâu thuẫn. Bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường lúc 19 giờ 30 là không có căn cứ. Bởi, lời khai của nhân chứng H.V.B, khoảng 19 giờ khi anh tới BĐ gửi xe đã thấy một thanh niên ngồi trong đó. 19 giờ 30, anh Bình quay lại vẫn thấy thanh niên này.
Nhân chứng Đ.V.T khai đến BĐ gọi điện về nhà lúc 19 giờ 39 phút 22 giây thì có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong BĐ. Nhưng theo kết luận điều tra (KLĐT), 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì Len trả xe và sang nhà dì Rưởi lấy xe đi đến một quán trả tiền cho Võ Lộc Đang, rồi mới đi đến BĐ Cầu Voi.
VKS phân tích, tổng thời gian từ hiệu cầm đồ đến khi chia tay Đang, Hải phải mất khoảng 28 phút. Tức khoảng 19 giờ 41 phút Hải mới bắt đầu đi xe máy từ điểm chia tay Đang để đến BĐ và mất bao lâu để đi đến BĐ thì cũng chưa được làm rõ. Trong khi biên bản kiểm tra thời gian ngày 14.7.2008 của CQĐT, đoạn đường từ hiệu cầm đồ đến BĐ Cầu Voi khoảng 7,5 km, đi hết 15 phút, thì Hải không thể có mặt tại BĐ trước 19 giờ 39 phút 22 giây như kết luận.
Dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hồ Duy Hải
Về nhận dạng đối tượng phạm tội, VKS nêu không có nhân chứng nào khẳng định thấy Hải có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án. Tại CQĐT, trong biên bản ghi lời khai, anh Đ.V.T cam đoan: “Tôi không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được”, còn anh H.V.B khai chỉ nhìn thấy một thanh niên ngồi trong BĐ nhưng không mô tả và nhận dạng được.
Đáng lưu ý, VKS phân tích cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được; kết luận giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ…
Ngoài ra, theo KLĐT, qua lời khai của Hải, CQĐT thu giữ đống tro do Hải đốt sau khi gây án một tuần. Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện, vào lúc 18 giờ 30 ngày 21.3.2008, khi CQĐT đến khám xét nhà Hải phát hiện và thu giữ đống tro này; còn lời khai của Hải được lấy vào lúc 19 giờ 30 ngày 21.3.2008.
Có nghĩa lời khai của Hải được ghi sau khi thu giữ đống tro, chứ không phải do Hải khai mà CQĐT thu giữ được. Tại kết luận giám định ngày 8.5.2008 nêu: trong mẫu tàn than tro có thành phần vải và nhựa polyster, không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card.
Một số tài liệu bị bỏ ngoài hồ sơ
Về thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án, VKS tối cao phân tích các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng, như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Cụ thể, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ ghế, thớt, là những vật chứng quan trọng, và là vật mang dấu vết vụ án; không giám định thời điểm chết của nạn nhân, không trưng cầu giám định ngay vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để 4 tháng sau; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai.
VKS còn chỉ ra một chi tiết khá “hài hước” rằng cùng một lúc, điều tra viên Lê Thành Trung có thể thực hiện khám nghiệm hiện trường (kết thúc hồi 13 giờ 10 ngày 14.1.2008), vừa thực hiện khám nghiệm hai tử thi (bắt đầu lúc lúc 11 giờ 40 ngày 14.1.2008 đối với V. và 12 giờ 10 cùng ngày đối với H.).
Đồng thời, VKS xác định lời khai đầu tiên ngày 20.3.2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, mặc dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của CQĐT. Cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án; ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ. (còn tiếp)
Tạm dừng thi hành án theo yêu cầu của Chủ tịch nướcSau bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải, bị án làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình. Ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng không có tình tiết mới, vụ án được xét xử đúng người đúng tội nên có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Trước đó, ngày 24.5.2011, Chánh án TAND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 17.5.2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hải. Ngay sau đó, tử tù Hồ Duy Hải cùng mẹ ruột, người thân trong gia đình đi kêu oan cho Hải, làm đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình đối với bị án.
Ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không.
|
Bình luận (0)