Cây trôm được trồng trên mảnh đất bìa làng An Để (xã Hiệp Hòa, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), do gia đình ông Đỗ Đức Hữu trông giữ, chăm sóc. Theo 9 đời cụ tổ họ Đỗ truyền lại, khi về đây lập nghiệp đã có cây lạ này và qua nhiều đời, cây cổ thụ đến nay ước chừng khoảng nghìn năm tuổi. Tuy nhiên, cây không cằn cỗi mà luôn xanh tốt.
Theo lời ông Đỗ Đức Hữu (78 tuổi, trú tại xã Hiệp Hòa, người trực tiếp chăm sóc cây) kể lại, những năm kháng chiến chống Pháp, dưới gốc cây trôm bà con thường đánh đống rạ và dự trữ thực phẩm để nấu ăn.
Khi Pháp càn quét qua, đống rạ bị đốt, cây trôm bị cháy trụi một nửa. Ngày đó, cả làng ai cũng tưởng cây sẽ chết nhưng một thời gian sau cây lại xanh tốt và liền da, nhưng để lại những nốt hõm như người bị bỏng.
Cụ Hữu cho biết thêm: "Cây trôm được trồng từ nhiều đời trước. Người dân thường ra miếu cạnh gốc cây thắp hương cầu bình an, sức khỏe và học hành cho con cái. Chính sự linh thiêng và văn hóa tâm linh cùng những giai thoại dân gian kỳ bí đã che chở và bảo vệ cho cây trường tồn với thời gian và được dân làng truyền nhau chăm sóc, giữ gìn".
Cây trôm cũng đã trở thành điểm chiêm bái linh thiêng của người dân thập phương, nhất là trong các kỳ lễ hội truyền thống tại địa phương.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Trí Định, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cho biết không ai biết chính xác được tuổi thọ của cây này, các cụ cao niên trong làng kể lại ngày các cụ còn bé thì cây đã trưởng thành, vững chãi. Ngày ngày, các cụ leo trèo lên cây hóng mát, nô đùa. Cũng vì cây được trồng từ nhiều năm trước nên người dân trong làng lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị.
Theo ông Định, từ nhiều năm nay, cây luôn xanh tốt, khỏe mạnh. Để được như vậy, có thể do cây trồng bên cạnh cánh đồng lúa nên rễ cây hút được nhiều chất dinh dưỡng từ cánh đồng. Ngoài ra, cây cũng được ông Đỗ Đức Hữu chăm sóc chu đáo nên thân cây dù đã mọc đầy rêu và tầm gửi nhưng tán lá vẫn xanh tươi mơn mởn.
Năm 2014, cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là cây trôm (có tên khoa học là Sterculia foetida L.) đầu tiên của nước ta được gắn bia cây di sản Việt Nam.
Bình luận (0)