Những mộ táng kỳ bí
Theo sách Địa chí Tiên Phước, Quảng Nam (xuất bản năm 2023), các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở hữu ngạn sông Tiên thuộc các xã Tiên Hà, Tiên Lãnh. Trên địa bàn này, các nhà khảo cổ đã phát hiện các khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh cổ.
Tại xã Tiên Hà, khu mộ táng người chết trong chum đất sét nung nằm ở Gò Quảng và khu di tích cư trú kết hợp mộ táng Gò Miếu. Người dân địa phương cho biết mộ chum nằm tập trung ở các khu vực sát bờ sông Tiên. Qua thời gian lũ lụt làm sạt lở bờ sông Tiên nên nhiều mộ chum đã trôi xuống sông, số mộ chum được phát hiện qua những đợt khai quật không nhiều. Tuy nhiên, những mộ chum được phát hiện cho thấy hình thức mai táng người trong mộ chum đất sét nung là nét đặc thù của văn hóa Sa Huỳnh. Tại sao cư dân cổ Sa Huỳnh chôn người chết trong chum và cách thức chôn như thế nào hiện nay chưa thể khẳng định một cách chắc chắn. Nhưng dựa vào kích thước, hình dáng của các chum táng, một số nhà nghiên cứu cho rằng cư dân Sa Huỳnh cổ sau khi chết được chôn vào trong các chum hoặc vò vì họ quan niệm con người sinh ra từ bụng mẹ thì khi chết về với bụng mẹ (chiếc chum là biểu tượng cho lòng mẹ). Chum mai táng tìm thấy tại Tiên Hà là loại hình trụ, nắp hình nón cụt. Đồ tùy táng gồm nồi, đĩa làm bằng gốm và thuổng, rựa, dao sắt và các hạt chuỗi đá, mã não, thủy tinh.
Tại xã Tiên Lãnh, các nhà khảo cổ cũng phát hiện mộ chum hình trụ và hình cầu. Các mộ chum có thành khá dày, được làm bằng đất sét pha cát và bã thực vật, các chum đều có nắp đậy. Đồ tùy táng theo mộ chum tại đây rất phong phú như kiếm, đục, dao, giáo, rìu đồng và nhiều loại trang sức làm bằng chất liệu đá, thủy tinh, mã não. Đặc biệt, ngoài mộ chum, các nhà khảo cổ còn phát hiện mộ đất. Một số mộ đất chôn theo cặp âu đồng lồng nhau và được đặt úp.
Dấu ấn thủ công mỹ nghệ trên di vật gốm
Cùng với mộ chum đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, các phát hiện khảo cổ cũng ghi nhận dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh qua những sản phẩm gốm. Tại xã Tiên Hà, một số sản phẩm làm bằng gốm được tìm thấy ở khu vực Gò Quảng và Gò Miếu như nồi, bát, đĩa. Theo mô tả của nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh, nồi gốm với miệng loe, bụng phình, đáy tròn; hoa văn trang trí chủ yếu là văn chải và văn thừng, tất cả đều có màu đen ám khói. Bát gốm đáy bằng, không có hoa văn trang trí. Đĩa thì có kích thước khác nhau, bên ngoài thành đĩa trang trí văn thừng mịn. Ngoài ra còn có nhiều mảnh gốm vỡ với các loại hoa văn khắc vạch sóng nước, tam giác...
Còn tại di tích Gò Miếu, một địa điểm cách Gò Quảng khoảng 1,5 km về phía đông, đồ gốm là những chiếc nồi có miệng loe rộng, bụng phình, trong số đó có hai chiếc nồi đáy tròn và hai chiếc có chân đế. Các di vật gốm ở Gò Miếu được làm bằng đất sét pha nhiều bã thực vật nên xương gốm màu đen, có một số mảnh gốm có lớp áo bên ngoài màu hồng do được phết thổ hoàng. Hoa văn trên gốm đơn giản, chủ yếu là văn thừng, một số ít là văn chải và văn khắc vạch.
"Căn cứ vào những nét tương đồng về chất liệu và hoa văn trên gốm, các nhà khảo cổ nghĩ rằng giữa hai di tích này có mối quan hệ về mặt lịch đại. Gò Miếu nằm trong giai đoạn của các di tích Tiền Sa Huỳnh, niên đại khoảng 1.000 năm trước công nguyên, tương đương với di tích Bàu Trám (Núi Thành), Bãi Ông (Cù lao Chàm)...", ông Hồ Xuân Tịnh chia sẻ.
Di vật gốm còn tìm thấy ở thôn 8, xã Tiên Lãnh với bình gốm miệng loe, bát bồng có chân đế cao, tô đáy bằng, nồi gốm…Ngoài ra còn có nhiều mảnh vỡ của những chiếc nồi có kích thước khá lớn. Đồ gốm ở đây được làm bằng đất sét pha cát và bã thực vật, xương gốm màu nâu đen, trên một số mảnh gốm có trang trí hoa văn thừng mịn và văn khắc vạch… (còn tiếp)
Những chứng cứ vật chất tìm thấy được ở các di tích khảo cổ tại Tiên Phước càng khẳng định sự phân bố rộng khắp của các di tích Sa Huỳnh, không chỉ ở vùng đồng bằng ven biển mà còn có mặt ở các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn và các nhánh sông khác như sông Tiên, sông Tranh, sông Trường...
Nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh
Bình luận (0)