Kỳ họp HĐND TP.HCM: Những cam kết từ chính quyền

09/12/2021 04:36 GMT+7

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM có nhiều cam kết và đề ra hướng giải quyết đối với những bất cập của hệ thống y tế và tồn đọng, trì trệ trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư.

Ngày 8.12, kỳ họp HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với trọng tâm là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Y tế, Sở KH-ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND Q.7.

TP.HCM thừa nhận lúng túng trong việc hỗ trợ người dân giữa đại dịch Covid-19

Phân bổ nhân viên y tế theo quy mô dân số

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Rậm, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM, nêu thực tế nhân viên y tế đang nghỉ việc và đặt câu hỏi ngành y tế có chính sách gì để nhân viên y tế tiếp tục ở lại công tác. Cùng chung vấn đề, ĐB Tăng Hữu Phong chỉ ra bất cập của việc phân bổ nhân viên y tế theo đơn vị hành chính khi áp dụng với một đô thị đông dân như TP.HCM. “Vậy Sở Y tế có hướng giải quyết ra sao? TP.HCM cần bao nhiêu nhân lực y tế tuyến phường, xã để đảm đương vừa chống dịch vừa đảm bảo các chương trình mục tiêu quốc gia?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP.HCM

Sỹ Đông

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết các chỉ số về bác sĩ và nhân viên y tế trên 10.000 dân của TP.HCM đều thấp hơn yêu cầu, bình thường không thấy rõ nhưng khi dịch bùng phát lên thì rất thiếu. Năm nay, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc khoảng 1.000 người, gấp đôi năm ngoái. “Chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần 8 tháng trời nhân viên y tế chưa được nghỉ ngơi ngày nào, với mức thu nhập thấp”, ông Thượng nói.

Để giữ chân nhân viên y tế, ông Thượng cho hay đã kiến nghị chính sách hỗ trợ lương cho bác sĩ bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Sở Y tế cũng kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng và 6 tháng ở bệnh viện. “Điều này có lợi cho cả 2 phía. Bác sĩ mới tốt nghiệp về cơ sở gần dân, hiểu dân thì sau này công tác thuận lợi hơn. Thứ hai là có lợi cho trạm y tế, ước tính mỗi năm có 500 bác sĩ luân phiên xuống vừa công tác vừa thực hành”, ông Thượng nhìn nhận và cho biết các bác sĩ sẽ được hỗ trợ chi phí sinh hoạt bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng và không phải đóng học phí thực hành.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và thống nhất triển khai đề án thí điểm xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Khi đó, TP.HCM sẽ giải quyết được bài toán nhân sự trạm y tế để tương ứng với quy mô dân số.

Bộ Y tế thống nhất với TP.HCM thí điểm xây dựng trạm y tế theo quy mô dân số

Ngọc Dương

Trả lời câu hỏi về thuốc điều trị F0, ông Thượng cho biết 2 công ty nắm bản quyền thuốc kháng vi rút Molnupiravir và Paxlovid (Mỹ) đã đồng ý nhượng bản quyền cho VN. Bộ Y tế sẽ xem xét cấp phép sản xuất trong nước trong thời gian tới. Sở Y tế TP kiến nghị khi sản xuất đại trà thì sẽ bán tại các nhà thuốc. “Trong tương lai, người dân có thể ra nhà thuốc mua thuốc kháng vi rút tự uống như loại thuốc trị cảm cúm bình thường”, ông Thượng kỳ vọng.

Covid-19 sáng 9.12: Cả nước 1.352.122 ca | TP.HCM thừa nhận lúng túng trong hỗ trợ người dân

Giải quyết các tồn đọng

Trong buổi chất vấn đầu tiên của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhiều ĐB đặt câu hỏi về chủ đề năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho rằng cải cách hành chính là vấn đề đã nhiều lần đặt ra, cử tri bức xúc vì chưa có sự liên thông giữa các sở, ngành với địa phương khi giải quyết thủ tục của người dân. “UBND TP.HCM có chỉ đạo gì hay chỉ nhắc nhở chung chung?”, bà Châu đặt câu hỏi.

Trao đổi với ĐB, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận cải cách hành chính là việc quan trọng, nếu tháo gỡ được sẽ tạo thêm điều kiện phát triển. “Thời gian qua, TP.HCM có kế hoạch cải cách hành chính rất cụ thể về trách nhiệm, cơ chế phối hợp, nhưng quá trình thực hiện chưa đạt yêu cầu. Vấn đề là giữ kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thưởng phạt”, ông Mãi nói và cam kết trong năm 2022 sẽ thực hiện tốt hơn.

Về thu hút nguồn lực tư nhân, ông Mãi nhìn nhận nguồn lực xã hội là cực kỳ lớn và rất quan trọng nên cần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính để khơi thông nguồn vốn này. TP.HCM đã lập tổ công tác đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án tồn đọng, mỗi tuần giải quyết được 7 - 10 hồ sơ. TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về các sở ngành, UBND các quận, huyện để chủ động hơn trong giải quyết, phối hợp thực hiện các công việc.

Theo ông Mãi, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ âm 6,78% năm 2021 sang tăng 6,5% năm 2022 là nhiệm vụ khó khăn nhưng đây là tâm huyết chính trị của TP.HCM để trở lại vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía nam và cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, trong đó kiểm soát dịch là ưu tiên hàng đầu, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về giảm, giãn nợ, thuế quan, lao động, cải cách hành chính…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.